Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng

Phản bác luận điệu xuyên tạc quan điểm của Việt Nam về xung đột Nga và Ukraine

10/12/2022 12:00:0AM
Màu chữ Cỡ chữ

Cuộc chiến xung đột quân sự giữa Nga - Ukraine đang là tâm điểm, cả thế giới đang đứng trước biến động chính trị, kinh tế lớn chưa từng có trong hơn hai thập kỷ qua. Việt Nam đã nhiều lần nêu rõ quan điểm chính thức là kêu gọi các bên nối lại đối thoại và đàm phán trên cơ sở luật pháp quốc tế. Tuy nhiên, các thế lực thù địch, phản động cố tình xuyên tạc, suy diễn rằng, quan điểm của Việt Nam là “mơ hồ, không rõ ràng”, Việt Nam không đi theo số đông. Đây là chiêu trò bôi nhọ, hạ thấp uy tín của Đảng và Nhà nước Việt Nam.

Chính trường thế giới dậy sóng trước những căng thẳng leo thang xoay quanh chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, diễn ra vào ngày 24/02/2022, do Tổng thống Nga Putin phát động. Ngay sau khi sự việc xảy ra, Việt Nam đã nhiều lần nêu quan điểm chính thức về xung đột giữa Nga và Ukraine. Quan điểm nhất quán của Việt Nam là kêu gọi các bên liên quan giảm leo thang căng thẳng, chấm dứt hành động sử dụng vũ lực, nối lại đối thoại và thông qua tất cả các kênh, tìm kiếm giải pháp lâu dài cho các bất đồng.

Ngày 02/3/2022, tại phiên họp khẩn cấp lần thứ 11 Đại hội đồng Liên Hợp quốc đã thông qua Nghị quyết không ràng buộc yêu cầu Nga ngừng sử dụng vũ lực ngay lập tức, có 141 phiếu thuận, 35 phiếu trắng và 4 phiếu chống. Ngày 24-3, Đại hội đồng Liên Hợp quốc (LHQ) họp lần thứ 2 về Ukraine đã thông qua một Nghị quyết do Ukraine và các đồng minh soạn thảo, nhận được 140 phiếu ủng hộ và 5 phiếu chống (của Nga, Syria, Triều Tiên, Eritrea và Belarus) và 38 phiếu trắng (trong đó có Việt Nam)*.

Từ lá phiếu trắng của Việt Nam, trên một số diễn đàn internet, mạng xã hội, một số cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước đã đưa ra những luận điệu sai trái, suy diễn rằng quan điểm của Việt Nam là “mơ hồ, không rõ ràng”, Việt Nam đã không đi theo số đông, cố tình tìm cách lựa chọn quan điểm trung lập đối với cuộc xung đột Nga - Ukraine, trong khi đại đa số các quốc gia phản đối và yêu cầu Nga chấm dứt hành động quân sự và rút quân về nước ngay lập tức. Hoặc các tổ chức phản động như Việt Tân, RFA, RFI, BBC, VOA, Chân trời mới… xuyên tạc, “giật tít” với các nội dung “Nga - Ukraine: Việt Nam có nên “sợ cô lập” vì chủ trương “4 không, 4 tránh”, “Việt Nam trước ngã ba đường và các bài học lịch sử”. Thậm chí, có luận điệu xuyên tạc rằng, phải chăng Việt Nam đang ngấm ngầm ủng hộ cho cuộc chiến tranh, quay lưng với hòa bình.

Các thế lực thù địch, cơ hội chính trị cố tình đưa ra những luận điệu, bình luận, suy diễn, có nội dung phê phán, xuyên tạc, bịa đặt đường lối, chủ trương, chính sách của Việt Nam trong quan điểm, cách nhìn nhận, ứng xử trước các vấn đề liên quan đến xung đột giữa Nga và Ukraine,… đồng tình ủng hộ hay lên án phản đối Nga. Từ đó, họ tìm cách hướng lái dư luận làm chệch hướng, gây hoang mang, nhằm cuốn người đọc theo chủ đích, ý đồ của họ. Họ không lúc nào từ bỏ âm mưu thâm độc luôn vu khống, xuyên tạc quan điểm của Đảng và Nhà nước ta, luôn chống phá đất nước Việt Nam.

Chúng ta khẳng định, những luận điệu nêu trên đều là những quan điểm sai trái, thù địch, xuyên tạc quan điểm của Việt Nam đối với vấn đề xung đột Nga - Ukraine của một số cá nhân, tổ chức, thực chất mang tính quy chụp, bôi nhọ nhằm hạ thấp vai trò, uy tín của Đảng, Nhà nước Việt Nam; xuyên tạc đường lối, chính sách đối ngoại của Đảng, Nhà nước Việt Nam; chia rẽ mối quan hệ “đối tác tin cậy”, tác động tiêu cực đến quan hệ của Việt Nam với Nga, Ukraine và cộng đồng quốc tế, hòng cô lập Việt Nam trên trường quốc tế.

Đại sứ Đặng Hoàng Giang, Trưởng phái đoàn Thường trực Việt Nam tại Liên Hợp quốc đã nhấn mạnh rằng: “Lịch sử của chính dân tộc chúng tôi hứng chịu các cuộc chiến tranh nhiều lần chỉ ra rằng, cuộc chiến tranh và xung đột đến tận ngày nay thường bắt nguồn từ các học thuyết lỗi thời đề cao chính trị cường quyền, tham vọng thống trị áp đặt và sử dụng vũ lực để giải quyết các tranh chấp quốc tế. Một số xung đột vẫn còn gắn liền với yếu tố lịch sử, ngộ nhận và hiểu lầm. Với những trải nghiệm của chính mình, Việt Nam thấu hiểu rằng chiến tranh và xung đột khi nổ ra chỉ gây ra đau khổ sâu sắc cho người dân và hậu quả nghiêm trọng đối với nhiều khía cạnh trong đời sống của các quốc gia có liên quan trực tiếp cũng như các quốc gia khác”. Vì vậy, Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam không muốn đất nước phải chịu cảnh chiến tranh và cũng không bao giờ muốn chiến tranh xảy ra với bất kỳ quốc gia nào trên thế giới.

Việt Nam mong muốn ngoài việc gửi đi thông điệp này, đồng thời Việt Nam còn có rất nhiều hành động đóng góp thiết thực, cụ thể nhằm ngăn chặn xung đột, hướng đến hòa bình trên thế giới. Đó là sự thật không ai phủ nhận, bác bỏ.

Chính sách đối ngoại của Việt Nam là thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia, dân tộc, trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế. Việt Nam đã nhiều lần nêu rõ: Việt Nam giữ vững nguyên tắc 4 không. Đó là, không tham gia liên minh quân sự; không liên kết với nước này để chống nước kia; không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự hoặc sử dụng lãnh thổ Việt Nam để chống lại nước khác và không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế.

Đối với Việt Nam, cả Nga và Ukraine đều là đối tác quan trọng. Kể từ khi cuộc xung đột Nga - Ukraine nổ ra cho đến nay, Việt Nam chưa có bất kỳ phát ngôn và hành động nào đề cập đến việc ủng hộ việc sử dụng vũ lực để giải quyết vấn đề xung đột và cũng không “thiên vị” hay đứng về bất kỳ một bên nào xoay quanh xung đột giữa Nga và Ukraine. Việt Nam luôn khẳng định lập trường không thay đổi, đó là Việt Nam không đứng về bên này chống bên kia hay ngược lại mà luôn đứng về lẽ phải, về công lý, đứng về chính nghĩa và luật pháp quốc tế.

Những luận điệu cho rằng Việt Nam đứng bên này để chống bên kia, “cổ suý chiến tranh” là hoàn toàn sai trái, bịa đặt.

Phát biểu của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Trung tâm nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế Hoa Kỳ, vào ngày 13/5/2022 nhấn mạnh: “Trong một thế giới đầy biến động, cạnh tranh chiến lược và nhiều sự lựa chọn, Việt Nam không chọn bên mà chọn chính nghĩa, sự công bằng, công lý và lẽ phải trên cơ sở các nguyên tắc của luật pháp quốc tế, Hiến chương Liên hợp quốc; bình đẳng, tất cả cùng có lợi, tất cả cùng chiến thắng”, “Là một quốc gia đã trải qua nhiều cuộc chiến tranh giành độc lập, tự do, thống nhất đất nước và gánh chịu những mất mát to lớn, Việt Nam sẵn sàng đóng góp vào quá trình hòa giải giữa các quốc gia. Việt Nam là địa điểm để tổ chức Thượng đỉnh Hoa Kỳ - Triều Tiên lần hai. Liên quan đến tình hình Ucraina, lập trường nhất quán của Việt Nam là tôn trọng Hiến chương Liên hợp quốc và các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, lợi ích hợp pháp, chính đáng của các quốc gia; giải quyết mọi tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, không sử dụng hay đe dọa sử dụng vũ lực. Việt Nam ủng hộ và sẵn sàng tham gia vào các nỗ lực, sáng kiến của cộng đồng quốc tế trong việc tạo điều kiện để các bên đối thoại, tìm kiếm giải pháp lâu dài, bền vững”. Qua đó, đã góp phần khẳng định vị thế, vai trò và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.

Thực tế trên là minh chứng sống động, cụ thể, chính xác để phản bác đập tan những luận điệu xuyên tạc, suy diễn, bịa đặt của các thế lực thù địch, cơ hội chính trị lợi dụng cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine để chống phá cách mạng Việt Nam. Mỗi cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân cần bình tĩnh, sáng suốt, có chính kiến đúng đắn, vững vàng, chặt chẽ nhằm phản bác thật hiệu quả lại các quan điểm sai lệch, kích động, không để dễ sập bẫy của kẻ thù; góp phần thể hiện rõ lập trường nhất quán của Việt Nam, mong muốn công lý và yêu chuộng hòa bình, hữu nghị, hợp tác, phát triển bền vững./. 

Nguyễn Thanh Hoàng

Các tin khác

  • Phát huy vai trò của chi bộ trong nâng cao công tác tuyên truyền, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng (09/09/2024)
  • Nền tảng tư tưởng của Đảng phải trở thành niềm tin, lẽ sống của Nhân dân (28/08/2024)
  • Những giá trị cơ bản trong Di chúc Chủ tịch Hồ Chí Minh (27/08/2024)
  • Tăng cường công tác chính trị, tư tưởng, tự phê bình và phê bình nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng (11/08/2024)
  • Vai trò của cấp ủy cơ sở trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch (16/06/2024)
  • Ban Chỉ đạo 35 tỉnh tổ chức Hội nghị tập huấn kỹ năng viết chính luận về Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng (13/09/2023)
  • Phòng, chống “bệnh quan liêu” trong đội ngũ cán bộ, đảng viên hiện nay (28/08/2023)
  • Phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong tình hình mới (28/08/2023)
  • Vai trò cầu nối của các cơ quan báo chí trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực hiện nay (17/08/2023)
  • Xây dựng sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng là cơ sở vững chắc để đoàn kết dân tộc (15/08/2023)
  • Trang đầu 12345678910 Trang cuối