Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng

Tư tưởng của V.I Lê-nin soi sáng con đường chúng ta đi

08/04/2021 01:00:0AM
Màu chữ Cỡ chữ

V.I Lê-nin sinh ngày 22/4/1870 tại Xim-biếc-xơ trong một gia đình trung lưu. Sau khi tốt nghiệp trung học năm 1887, Lê-nin vào học khoa Luật tại Trường đại học Ca - dan, nhưng do tham gia phong trào sinh viên nên bị bắt và phát lưu; đồng thời, phải chịu sự giám sát của cảnh sát.

Năm 1891, Lê-nin tốt nghiệp Trường đại học Pê-téc-bua với tư cách là thí sinh tự do. Ở Ca-dan (năm 1888 - 1889) và Xa-ma-ra (1889 - 1893), Lê-nin nghiên cưu lý luận Mác xít, trở thành người Mác xít và tổ chức nhóm Mác xít đầu tiên ở Xa-ma-ra. Năm 1893, Lê-nin đến Pê-téc-bua, trở thành người lãnh đạo những người Mác xít ở Pê-téc-bua.

Năm 1894, Lê-nin viết tác phẩm lớn đầu tiên: “Những người bạn dân” là thế nào và họ đấu tranh chống những người dân chủ - xã hội ra sao? Trong đó, Lê-nin chứng minh tính chất vô căn cứ của lý luận và chính sách của phái dân túy, đồng thời vạch ra cho giai cấp công- nông dân Nga con đường đấu tranh chân chính. 

Lê-nin đã phát triển một cách sáng tạo học thuyết Mác và áp dụng vào điều kiện lịch sử mới, sau đó, liên hệ không ngừng với thực tiễn đấu tranh cách mạng của giai cấp vô sản và nhiệm vụ xây dựng chủ nghĩa xã hội. Lê-nin nêu rõ các quy luật kinh tế xã hội chủ nghĩa, chỉ rõ đường lối chung và kế hoạch cụ thể của công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản ở Liên Xô.

Lê-nin chỉ rõ sự cần thiết phải tính đến các điều kiện cụ thể của mỗi nước trong khi áp dụng những nguyên tắc căn bản của công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội chung cho tất cả các nước. Kế hoạch xây dựng chủ nghĩa xã hội (CNXH) của Lê-nin bao hàm tính tất yếu của công cuộc công nghiệp hóa xã hội CNXH đối với kinh tế của giai cấp nông dân.

Trong nhiều tác phẩm của mình, Lê-nin đã vạch ra sự cần thiết phải xây dựng và phát triển công nghiệp XHCN; trước hết là công nghiệp nặng. Khi lập kế hoạch xây dựng chủ nghĩa xã hội, Lê-nin đặc biệt chú trọng vấn đề điện khí hoá đất nước.

Kế hoạch nhà nước điện khí hoá nước Nga lập ra theo sáng kiến và dưới sự lãnh đạo của Lê-nin, là kế hoạch Nhà nước dài hạn đầu tiên phát triển kinh tế quốc dân trong nước, nhằm xây dựng nền tảng của kinh tế XHCN trong vòng 10 đến 15 năm.

Cũng chính Lê-nin đề ra công thức nổi tiếng “Chủ nghĩa cộng sản là chính quyền Xô viết cộng với điện khí hoá toàn quốc”. Người chỉ rõ rằng “Chỉ sau khi điện khí hoá toàn quốc, chỉ sau khi công nghiệp, nông nghiệp và ngành vận tải được đặt trên cơ sở kỹ thuật của đại công nghiệp hiện đại, thì khi đó, chúng ta giành được thắng lợi cuối cùng”.

 

Suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nêu gương đạo đức cách mạng của Lênin - tấm gương tiêu biểu của đạo đức cách mạng. Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn cán bộ, đảng viên phải thấm nhuần và làm theo những lời dạy của Lênin: "Lênin dạy chúng ta phải ra sức chống quan liêu, tham ô, lãng phí. Dù vô tình hay cố ý, duy trì ba bệnh ấy tức là giúp sức cho kẻ địch và làm hại cho nhân dân, cho Chính phủ, cho Đảng". Để chống lại những căn bệnh đó, Người viết: "Lênin dạy chúng ta giản đơn và khiêm tốn, trong sạch và chính trực... Lênin dạy chúng ta phải thật thà tự phê bình và phê bình để đoàn kết chặt chẽ và tiến bộ mãi".

Do vận dụng những lời dạy của Lênin một cách sáng tạo, phù hợp với hoàn cảnh thực tế, cách mạng Việt Nam đã giành được những thắng lợi to lớn. Thắng lợi đó là kết quả của nhiều nhân tố, trong đó trước hết là nhờ vũ khí không gì thay thế được là chủ nghĩa Mác - Lênin.

Chủ tịch Hồ Chí Minh coi chủ nghĩa Mác - Lênin là cái cẩm nang thần kỳ vì nó chứa đựng những lập trường, quan điểm và phương pháp cách mạng giúp những người cách mạng nhận thức tình hình và hành động một cách đúng đắn. "Đối với công việc, phải thấy trước, lo trước, tính trước. Phải cân nhắc kỹ những điều thuận lợi và khó khăn, để kiên quyết vượt qua mọi khó khăn, phát triển mọi thuận lợi, bất kỳ việc to, việc nhỏ, đều phải rất cẩn thận. Không hấp tấp, không rụt rè. Bại không nản, thắng không kiêu. Tuyệt đối tránh chủ quan, nóng vội".

Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: "Chúng ta kỷ niệm đồng chí Lênin, thương nhớ đồng chí Lênin thì càng phải học tập và thực hành chủ nghĩa Mác - Lênin. Đó là con đường duy nhất cho chúng ta đưa kháng chiến đến thắng lợi, kiến quốc đến thành công".

Kế thừa tư tưởng của V.I Lê-nin, Đảng Cộng sản Việt Nam đã lựa chọn con đường đi lên chủ nghĩa xã hội bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa và đã nghiên cứu một cách thấu đáo cơ sở lý luận, cách đặt vấn đề và gợi mở hướng đi của Lê-nin trong Chính sách kinh tế mới với việc phát triển kinh tế hàng hoá nhiều thành phần vận hành theo cơ chế thị trường đương đại, kể cả sử dụng hình thức “chủ nghĩa tư bản nhà nước” để xây dựng và phát triển lực lượng sản xuất.

Nét nổi bật trong phương hướng phát triển giai đoạn mới là đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá, nhằm xây dựng nước ta cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020. Đây là tư tưởng chỉ đạo chiến lược của Đảng ta trong việc vận dụng học thuyết Mác - Lê-nin đối với cách mạng XHCN từ điều kiện một nền kinh tế lạc hậu đi lên chủ nghĩa xã hội.

V.I Lê-nin nhiều lần nhấn mạnh, chủ nghĩa xã hội có thắng chủ nghĩa tư bản suy cho cùng là phải tạo ra năng suất lao động cao hơn nhiều so với năng suất lao động chủ nghĩa tư bản. Do vậy, công nghiệp hoá, hiện đại hoá là nhiệm vụ trung tâm suốt thời kì lịch sử đó.

Từ đại hội Đảng lần thứ III, Đảng ta luôn coi công nghiệp hoá, hiện đại hoá (CNH-HĐH) là nhiệm vụ trung tâm của thời kỳ quá độ. Đảng ta đã xác định thực chất của CNH xã hội chủ nghĩa là “Quyết tâm thực hiện cách mạng kỹ thuật, thực hiện phân công mới về lao động xã hội, là quá trình tích luỹ xã hội chủ nghĩa để không ngừng thực hiện tái sản xuất mở rộng”.

Nghị quyết Đại hội VIII, IX, X, XI, XII, XIII của Đảng là phải đặt sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đúng vị trí trung tâm chiến lược của cách mạng xã hội chủ nghĩa. Theo tinh thần của Lê-nin là phải: “Quan tâm tới mục đích thực tiễn” của sự nghiệp này. Nghĩa là, phải phục vụ những mục tiêu bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa trong quá trình đi lên của đất nước ta.

Trong điều kiện quốc tế mới, vận dụng tư duy kinh tế trong Chính sách kinh tế mới của Lê-nin, Đảng ta chủ trương phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, chủ động hội nhập kinh tế quốc tế và khu vực, theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Đảng ta chủ trương trong những năm tới “phải quan tâm tới công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp nông thôn”.

V.I Lê-nin khuyên chúng ta phải học tập, sử dụng thành quả khoa học - công nghệ, kể cả kinh nghiệm tổ chức, quản lý sản xuất chủ nghĩa tư bản. Chính thực tiễn đặt ra những nhiệm vụ mới đã thôi thúc Đảng ta nghiên cứu và phát triển học thuyết Mác - Lê-nin về sử dụng các thành tựu của chủ nghĩa tư bản vào công cuộc đổi mới và xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta.

Tư tưởng của Lê-nin về phát triển kinh tế hàng hoá nhiều thành phần, về các đòn bẩy kinh tế kích thích người lao động đã và đang phát huy tác dụng tích cực trong quá trình đổi mới nền kinh tế nước ta.

Trong giai đoạn cách mạng mới, tư tưởng Lê-nin về chủ nghĩa tư bản nhà nước, coi con đường đi “xuyên qua chủ nghĩa tư bản nhà nước, để tiến lên chủ nghĩa xã hội” và “phải lợi dụng chủ nghĩa tư bản làm mắt xích trung gian giữa nền tiểu sản xuất và chủ nghĩa xã hội, làm phương tiện, con đường, phương pháp, phương thức để tăng cường lực lượng sản xuất”.

Trong điều kiện nước ta còn nghèo, quá độ lên chủ nghĩa xã hội với Nhà nước của dân, do dân, vì dân dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam, có kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo, chúng ta có thể và cần phải sử dụng rộng rãi kinh tế tư bản nhà nước, coi đó là hình thức kinh tế phù hợp với con đường quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta mà Đại hội X của Đảng nhấn mạnh.

Vận dụng tư tưởng của Lê-nin trong quá trình đổi mới, suốt 91 năm qua Đảng cộng sản Việt Nam đã lãnh đạo đất nước vượt qua bao khó khăn thách thức, tiếp tục sự nghiệp đổi mới kinh tế theo cơ chế kinh tế thị trường có định hướng xã hội chủ nghĩa, nhất là 35 năm đổi mới, đã khẳng định việc lựa chọn nền tảng là đúng đắn.

Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) do Đại hội XI của Đảng thông qua đã khẳng định lại quan điểm: Đảng lấy chủ nghĩa Mác - Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động, lấy tập trung dân chủ làm nguyên tắc tổ chức cơ bản, tiếp thu chọn lọc mọi thành quả trí tuệ, văn minh của nhân loại, phát huy nội lực kết hợp với ngoại lực, phấn đấu đến 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại.

Quan điểm chỉ đạo đầu tiên trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng tiếp tục nhấn mạnh: Kiên định và vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh; kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; kiên định đường lối đổi mới của Đảng, kiên định các nguyên tắc xây dựng Đảng để xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

P.TT (tổng hợp)

Các tin khác

  • Phát huy vai trò của chi bộ trong nâng cao công tác tuyên truyền, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng (09/09/2024)
  • Nền tảng tư tưởng của Đảng phải trở thành niềm tin, lẽ sống của Nhân dân (28/08/2024)
  • Những giá trị cơ bản trong Di chúc Chủ tịch Hồ Chí Minh (27/08/2024)
  • Tăng cường công tác chính trị, tư tưởng, tự phê bình và phê bình nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng (11/08/2024)
  • Vai trò của cấp ủy cơ sở trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch (16/06/2024)
  • Ban Chỉ đạo 35 tỉnh tổ chức Hội nghị tập huấn kỹ năng viết chính luận về Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng (13/09/2023)
  • Phòng, chống “bệnh quan liêu” trong đội ngũ cán bộ, đảng viên hiện nay (28/08/2023)
  • Phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong tình hình mới (28/08/2023)
  • Vai trò cầu nối của các cơ quan báo chí trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực hiện nay (17/08/2023)
  • Xây dựng sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng là cơ sở vững chắc để đoàn kết dân tộc (15/08/2023)
  • Trang đầu 12345678910 Trang cuối