Đất và người Long An

Nghĩa tình, trách nhiệm chung tay xoa dịu nỗi đau da cam

11/08/2024 02:57:7PM
Màu chữ Cỡ chữ

Kỷ niệm 63 năm ngày thảm họa da cam Việt Nam là dịp để khơi dậy trách nhiệm của cộng đồng xã hội đối với nạn nhân chất độc da cam; cổ vũ, lan tỏa tinh thần “Không ai bị bỏ lại phía sau”, biến nhận thức của mỗi người thành hành động cụ thể, thiết thực giúp đỡ nạn nhân da cam vượt lên chính mình, tiếp thêm cho họ niềm tin và tình yêu cuộc sống, khát vọng và ý chí vươn lên hòa nhập cộng đồng.

Ngày 10/8/1961, là ngày đầu tiên Mỹ tiến hành cuộc chiến tranh hóa học ở Việt Nam, sử dụng chất độc da cam/dioxin, nhằm triệt hạ nguồn sống của thảm thực vật ở miền Nam Việt Nam. Chỉ trong 10 năm (1961-1971) quân đội Mỹ đã tiến hành phun rải khoảng 80 triệu lít chất độc hóa học, 61% trong đó là chất da cam, chứa 366 kg dioxin xuống các cánh rừng, thôn, bản với diện tích 3,06 triệu ha, bằng gần ¼ tổng diện tích của Miền Nam Việt Nam. Cuộc chiến tranh hóa học Mỹ tiến hành ở Việt Nam là cuộc chiến tranh có quy mô lớn, gây hậu quả thảm khốc nhất trong lịch sử. Việc sử dụng chất độc da cam/dioxin đã gây hậu quả nghiêm trọng không chỉ hủy hoại môi trường, hệ sinh thái mà còn tác động lớn đến sức khỏe con người Việt Nam. Hàng trăm nghìn nạn nhân đã bị chết và hàng trăm nghìn người khác đang từng ngày, từng giờ chống chọi với bệnh tật hiểm nghèo (biến đổi gen di truyền qua mẹ hoặc bố, gây tai biến sinh sản, quái thai, dị dạng, dị tật bẩm sinh như: mù, câm, điếc, thiểu năng trí tuệ, tâm thần, ung thư...).

Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam tỉnh - Nguyễn Thị Bạch Huệ thăm hỏi, tặng quà, động viên nạn nhân chất độc da cam trên địa bàn huyện Cần Đước vào ngày 07/8/2024

Trước những hậu quả hết sức nặng nề của chất độc màu da cam, Đảng, Nhà nước ta xác định công cuộc khắc phục hậu quả do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam đối với môi trường và sức khỏe con người là một vấn đề cấp bách, lâu dài, là trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, cán bộ, đảng viên và các tổ chức trong hệ thống chính trị. Với tinh thần đoàn kết dân tộc, Đảng và Nhà nước ta đã cho phép thành lập Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam. Ngày 10/01/2004, Hội chính thức ra mắt và triển khai nhiều hoạt động phối hợp có hiệu quả như chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam; bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp và đấu tranh đòi công lý cho nạn nhân chất độc da cam, góp phần xoa dịu nỗi đau với những gia đình có nạn nhân bị phơi nhiễm chất độc da cam/dioxin.

Đến nay, Hội Nạn nhân chất độc da cam tỉnh có hơn 4.900 hội viên ở 91 hội cơ sở, liên chi hội cơ sở của 102 xã đủ điều kiện/188 xã, phường, thị trấn. Trong đó, có hơn 1.300 nạn nhân hưởng chế độ, chính sách hàng tháng. Trong những năm qua, các cấp, ngành tỉnh đã tích cực quan tâm, tạo điều kiện chăm sóc, giúp đỡ các nạn nhân chất độc da cam/dioxin; đặc biệt là chăm sóc về sức khỏe. Hội Nạn nhân chất độc da cam tỉnh đã tham mưu cho các cấp ủy đảng, chính quyền triển khai thực hiện tốt các chính sách ưu đãi đối với nạn nhân da cam; đẩy mạnh các hình thức tuyên truyền, vận động xã hội nêu cao tinh thần “Tương thân, tương ái”; tích cực vận động gây quỹ trợ giúp những gia đình nạn nhân có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, thăm hỏi, tặng quà, khám, chữa bệnh; trao học bổng cho con cháu nạn nhân… qua đó, động viên tinh thần các nạn nhân và gia đình, giúp họ vượt qua nỗi đau bệnh tật và có thêm nghị lực vươn lên trong cuộc sống. Trong năm 2023, các cấp Hội vận động trao tặng hơn 25.000 phần quà trị giá hơn 7 tỉ đồng, 28 căn nhà (xây mới 27 căn, sửa chữa 1 căn) trị giá hơn 2 tỉ đồng, 19 chiếc xe lăn trị giá 48 triệu đồng, 156 suất học bổng trị giá 398 triệu đồng, nuôi dưỡng thường xuyên 39 người tổng kinh phí hơn 93 triệu đồng.

 Chiến tranh đã lùi xa hơn 40 năm nhưng nỗi đau vẫn còn đó, nó vẫn tồn tại đến bây giờ và dường như là mãi mãi dưới cái tên “Nỗi đau chất độc da cam”, chỉ có đất nước nào trải qua chiến tranh mới hiểu sự mất mát và cũng chỉ có gia đình nào không may có con, em bị ảnh hưởng của chất độc màu da cam mới thấm thía được nỗi đau khổ và sự thiệt thòi. Nỗi đau da cam không là nỗi đau của riêng ai. Đó là nỗi đau của cả dân tộc. Chung tay xoa dịu nỗi đau da cam không chỉ là vấn đề từ thiện, nhân đạo, mà trước hết là hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa”, thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, nêu cao truyền thống “Thương người như thể thương thân” của dân tộc, là lương tâm và trách nhiệm của mỗi người Việt Nam; không chỉ góp phần vào phát triển kinh tế, văn hoá - xã hội, mà còn góp phần vào ổn định chính trị, tạo đồng thuận xã hội, tăng cường “thế trận lòng dân”, nâng cao sức mạnh trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Thu Hằng

Các tin khác

  • Tự hào truyền thống vẻ vang Thanh niên xung phong (17/07/2024)
  • Lễ Kỷ niệm 70 năm chiến thắng trận Hiệp Thạnh - Phú Ngãi Trị - Miễu Bà Cố (23/02/2024)
  • 10 kết quả nổi bật của huyện Châu Thành năm 2023 (28/12/2023)
  • TOÀN VĂN: PHÁT BIỂU CỦA ĐỒNG CHÍ NGUYỄN TRỌNG NGHĨA, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương tại Lễ kỷ niệm 60 năm Chiến thắng Hiệp Hòa (23/11/1963 - 23/11/2023) và đón nhận Huân chương Hồ Chí Minh (23/11/2023)
  • Long An: Kỷ niệm 60 năm Chiến thắng trận Hiệp Hòa và đón nhận Huân chương Hồ Chí Minh (23/11/2023)
  • Lễ dâng hương tại Khu di tích lịch sử ngã tư Đức Hòa và Bia Chiến thắng trận Hiệp Hòa (23/11/2023)
  • Chiến thắng Hiệp Hòa mở ra cao trào phá “Ấp chiến lược” ở Long An (22/11/2023)
  • Dâng hương tưởng nhớ anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực tại Xóm Nghề (26/10/2023)
  • Long An: “Tiệc chay” miễn phí 3 ngày tại Lễ giỗ anh hùng Nguyễn Trung Trực (26/10/2023)
  • Lễ dâng hương kỷ niệm 155 năm ngày Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực hy sinh (25/10/2023)
  • Trang đầu 12345678910 Trang cuối