Đất và người Long An

62 năm nhìn lại chất độc da cam trong chiến tranh ở Việt Nam – nỗi đau còn mãi

15/08/2023 09:57:14AM
Màu chữ Cỡ chữ

Nhà văn hào Victor Hugo từng nói: "Hòa bình là đức hạnh của nhân loại. Chiến tranh là tội ác". Quả thực, chiến tranh đã qua đi hơn nửa thập kỷ nhưng những tội ác mà nó để lại vẫn luôn còn hiện hữu trong đời sống con người, không ngoại trừ những con người Việt Nam. Chất độc màu da cam là một trong những tội ác kinh hoàng mà chiến tranh để lại cho người dân Việt, để lại hậu quả nặng nề cho những nạn nhân.

Chiến tranh chất độc da cam bắt đầu từ đầu thập niên 60 của thế kỉ XX, với phi vụ đầu tiên thử nghiệm chất Dinoxol do không quân Sài Gòn tiến hành tại khu vực phía Bắc tỉnh Kon Tum vào ngày 10/8/1961 bằng máy bay trực thăng H34 có gắn thiết bị phun - HIDAL (Helicopter Insecticide Dispersal Apparatus Liquid). Trong ngày hôm đó, Mỹ đã phun rải chất kịch độc, được ngụy trang bằng tên gọi “chất diệt cỏ, khai quang”, xuống miền Nam nước ta, mở đầu cuộc chiến tranh hóa học dài ngày nhất, gây ảnh hưởng nghiêm trọng và lâu nhất trong lịch sử loài người.

Trong thời gian từ 1961 đến năm 1971, quân đội Mỹ đã rải hơn 80 triệu lít chất diệt cỏ, phần lớn là chất da cam/dioxin (chất độc nhất mà con người biết được từ trước đến nay) xuống 1/4 diện tích đất tự nhiên ở miền Nam Việt Nam, gây hậu quả vô cùng nặng nề đối với con người và môi trường Việt Nam. Nhiều hệ sinh thái bị phá hủy bởi chất độc da cam chưa thể phục hồi; nhiều thế hệ người Việt Nam phải chịu đựng sự đau đớn về thể xác và tinh thân do bị nhiễm chất độc da cam. 

Trên địa bàn tỉnh Long An, hiện có khoảng 1.300 nạn nhân chất độc da cam được hưởng chế độ trợ cấp

Với thành phần chính là đi-ô-xin, chất độc màu da cam được xếp vào chất độc thuộc nhóm nguy hiểm ở cấp độ 1. Vậy mà, để thỏa mãn khát vọng bành trướng và mở rộng thuộc địa lúc bấy giờ, Mỹ đã không ngần ngại sử dụng hóa chất độc hại này với mục đích tàn phá căn cứ địa, các tuyến đường giao thông huyết mạch của Việt Nam ta. Mặc dù đã hơn nửa thế kỉ trôi qua  nhưng hậu quả của nó vẫn đeo bám đến những thế hệ sau đó, và rồi hàng triệu con người Việt Nam đã phải sinh ra với hình hài tật nguyền và không trọn vẹn. Với đặc tính di truyền, những con số về những trẻ em được sinh ra do ảnh hưởng của chất độc màu da cam vẫn chưa dừng lại mà vẫn tiếp tục có dấu hiệu gia tăng từng ngày, từng giờ. Chào đời trong hình hài dị dạng, những nạn nhân của chất độc màu da cam phải sống trong những mặc cảm cùng sự đau đớn về thể xác và tinh thần. Trong quá khứ, tác hại của loại chất độc này là vô cùng nặng nề, ước tính có khoảng 400.000 người bao gồm cả quân và dân Việt Nam, đã bị nhiễm độc và tử vong không lâu sau đó, hơn 500.000 trẻ em sinh ra với hình hài dị dạng. Đem đến những căn bệnh quái ác cho người phải tiếp xúc trực tiếp, điển hình là căn bệnh ung thư, theo sau đó là tiểu đường, vô sinh, rám da, các rối loạn miễn dịch, bất thường trong tái cấu trúc của cơ thể người, ảnh hưởng đến thần kinh, thị giác,... Khiến môi trường bị ô nhiễm nặng nề, bao gồm cả bầu không khí và nguồn nước, đất, khiến mất cân bằng sinh học.

Theo số liệu thống kê của Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam, ở Việt Nam có 4,8 triệu người bị nhiễm chất độc hóa học, bao gồm cả những người tham gia kháng chiến và người dân sinh sống trên địa bàn bị rải chất độc hóa học.  Hầu hết những người bị nhiễm chất độc da cam chính là những cán bộ kháng chiến, bộ đội, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến và nhân dân sống trong vùng bị rải chất độc; một số là những người từng phục vụ trong chính quyền Sài Gòn cũng bị nhiễm chất độc da cam. Và cho đến ngày hôm nay nỗi đau da cam vẫn chưa từng chấm dứt, dư lượng trong đất, nước khiến người sống trên đó bị phơi nhiễm,để những đứa trẻ sinh ra mang những dị tật khủng khiếp. Để lại gánh nặng cho người thân và xã hội, những nỗi đau tinh thần khôn nguôi.

Nhiều hoạt động ý nghĩa nhằm xoa dịu nỗi đau da cam được các địa phương trong tỉnh tổ chức vào dịp 10/8 hằng năm

Tháng 8/2023, đúng 62 năm quân đội Mỹ sử dụng chất độc hóa học gây ra thảm họa da cam ở Việt Nam. Mặc dù chiến tranh đã lùi xa, song hậu quả của chất độc hóa học đối với môi trường và con người vẫn chưa đi vào dĩ vãng. Thấm nhuần đạo lý, truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ người trồng cây” của dân tộc, ngày 10/8 hàng năm - Ngày vì nạn nhân chất độc da cam Việt Nam được xem như là điểm hẹn của những nghĩa cử cao đẹp vì đạo nghĩa, để toàn thể nhân dân Việt Nam cùng chung tay xoa dịu nỗi đau với những số phận bất hạnh, những số phận đã và đang phải chịu dày vò vì chất độc da cam do chiến tranh để lại.Nỗi đau da cam không của riêng cá nhân ai, mà là nỗi đau của cả dân tộc và nhân loại tiến bộ.

Trong bối cảnh hiện nay, việc giải quyết các vấn đề chất độc da cam không chỉ là trách nhiệm của chính quyền, mà còn là một nhiệm vụ xã hội mà tất cả mọi người cần phải tham gia. Để giảm bớt những hậu quả của chất độc da cam, chúng ta cần hỗ trợ y tế, chăm sóc và cung cấp cơ hội phát triển cho những người bị ảnh hưởng. Đồng thời, cần tập trung vào nghiên cứu, giám sát môi trường và tạo ra ý thức cộng đồng để bảo vệ và phục hồi môi trường. Chất độc da cam không chỉ là một vấn đề của quá khứ, mà còn là một bài học về tình thương con người, sự tôn trọng môi trường và sự hợp tác quốc tế. Chúng ta cần hành động ngay lập tức để giải quyết vấn đề này, đồng thời học lại những bài học từ nó để không lặp lại những sai lầm trong tương lai.

Hạ Thi

Các tin khác

  • Lễ Kỷ niệm 70 năm chiến thắng trận Hiệp Thạnh - Phú Ngãi Trị - Miễu Bà Cố (23/02/2024)
  • 10 kết quả nổi bật của huyện Châu Thành năm 2023 (28/12/2023)
  • TOÀN VĂN: PHÁT BIỂU CỦA ĐỒNG CHÍ NGUYỄN TRỌNG NGHĨA, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương tại Lễ kỷ niệm 60 năm Chiến thắng Hiệp Hòa (23/11/1963 - 23/11/2023) và đón nhận Huân chương Hồ Chí Minh (23/11/2023)
  • Long An: Kỷ niệm 60 năm Chiến thắng trận Hiệp Hòa và đón nhận Huân chương Hồ Chí Minh (23/11/2023)
  • Lễ dâng hương tại Khu di tích lịch sử ngã tư Đức Hòa và Bia Chiến thắng trận Hiệp Hòa (23/11/2023)
  • Chiến thắng Hiệp Hòa mở ra cao trào phá “Ấp chiến lược” ở Long An (22/11/2023)
  • Dâng hương tưởng nhớ anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực tại Xóm Nghề (26/10/2023)
  • Long An: “Tiệc chay” miễn phí 3 ngày tại Lễ giỗ anh hùng Nguyễn Trung Trực (26/10/2023)
  • Lễ dâng hương kỷ niệm 155 năm ngày Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực hy sinh (25/10/2023)
  • Tân An đi đầu trong cuộc tổng khởi nghĩa tháng Tám ở Nam Bộ (17/08/2023)
  • Trang đầu 12345678910 Trang cuối