Đất và người Long An

Nam Bộ - Vẻ vang danh hiệu “Thành đồng Tổ quốc”

20/09/2024 02:27:31PM
Màu chữ Cỡ chữ

Cách đây 79 năm, ngày 23/9/1945, thực dân Pháp đã nổ súng tấn công Sài Gòn, mở đầu cuộc chiến tranh xâm lược nước ta lần thứ hai. Như vậy chỉ 21 ngày sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập vào ngày 02/9/1945, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Nhân dân Nam Bộ lại phải tiếp tục cầm súng đứng lên chiến đấu, mở ra một giai đoạn lịch sử mới của dân tộc: Nam Bộ kháng chiến.

Trước tình thế cách mạng cấp bách, khắc sâu lời Chủ tịch Hồ Chí Minh, “Toàn thể dân Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do và độc lập ấy”, phát huy truyền thống yêu nước và khí thế của Cách mạng Tháng Tám lịch sử, quân dân Nam Bộ đã nhất tề đứng dậy cầm vũ khí đánh bại các thế lực xâm lược. Ngày 23-9, Xứ ủy và Ủy ban Hành chính Nam Bộ đã họp khẩn cấp để bàn về việc thực hiện chủ trương kháng chiến của Trung ương Đảng. Trên cơ sở phân tích tình hình, nhận định về âm mưu của thực dân Pháp và quân đội Anh, Hội nghị đã quyết định thành lập Ủy ban Kháng chiến Nam Bộ, phát động toàn dân tổng đình công, bãi công, bãi chợ, không hợp tác với giặc Pháp; phát động chiến tranh du kích rộng khắp, bao vây, cầm chân địch trong thành phố; tiêu hao dần lực lượng và làm thất bại âm mưu đánh nhanh thắng nhanh của quân Pháp… Ủy ban Kháng chiến Nam Bộ cũng ra lời kêu gọi đồng bào Nam Bộ đoàn kết xông lên đánh đuổi thực dân Pháp cứu nước: “Độc lập hay là chết… Tất cả đồng bào, già, trẻ, trai, gái, hãy cầm vũ khí xông lên đánh đuổi quân xâm lược… Từ giây phút này, nhiệm vụ hàng đầu của chúng ta là diệt giặc Pháp và tiêu diệt tay sai của chúng”.

Thực hiện lời kêu gọi của Ủy ban Kháng chiến Nam Bộ, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhân dân Nam Bộ đã “muôn người như một” anh dũng đứng lên với tinh thần quyết chiến và ý chí quyết tâm bảo vệ chính quyền cách mạng non trẻ. Chiều ngày 23/9/1945, Sài Gòn triệt để tổng đình công, không hợp tác. Công sở, xí nghiệp, cửa hàng đều đóng cửa, chợ không họp, xe ngừng chạy. Khắp phố phường, vật chướng ngại mọc lên. Các đơn vị xung phong, Công đoàn và Thanh niên tiền phong lập tức chiếm lĩnh vị trí chiến đấu đánh trả quân địch. Trong nội thành, chiến lũy được dựng lên ở khắp các phố phường để cản bước tiến của quân địch. Chỉ sau thời gian ngắn, ta đã tổ chức được 320 đội tự vệ chiến đấu, bố trí tại 16 khu vực tác chiến trọng điểm. Ở các tỉnh Nam Bộ, Ủy ban Kháng chiến cũng chỉ đạo thành lập những đội du kích, đội tự vệ chiến đấu làm nhiệm vụ giữ gìn an ninh, trật tự xã hội và bảo vệ chính quyền. Với tinh thần đó, chỉ trong trận mở đầu ở Tân Định, ta đã tiêu diệt gần 200 tên địch.

Nhân dân Nam bộ nổi dậy chống thực dân Pháp (Ảnh sưu tầm)

Từ cuối tháng 9 và tháng 10-1945, các lực lượng vũ trang ta thực hiện “trong đánh, ngoài vây”, “trong ngoài cùng đánh”. Ngày 29/10/1945, trong Lời kêu gọi đồng bào Nam Bộ, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Từ Nam chí Bắc, đồng bào ta luôn luôn sẵn sàng. Mấy triệu người như một, quyết tâm đánh tan quân cướp nước. Không quân đội nào, không khí giới nào có thể đánh ngã được tinh thần hy sinh của toàn thể một dân tộc... Trước nạn ngoại xâm, toàn thể quốc dân đã đoàn kết chặt chẽ thành một khối kiên cố, thành một lực lượng thống nhất mà không một đội xâm lăng nào đánh tan được”. Với khẩu hiệu “Miền Nam là máu của máu Việt Nam, là thịt của thịt Việt Nam”, cả nước đã chi viện tối đa sức người, sức của cho miền Nam. Nhiều đoàn quân Nam tiến được thành lập, Quỹ Nam Bộ kháng chiến ra đời, Nhân dân quyên góp tiền bạc, quần áo, gạo, thuốc men chi viện cho đồng bào Nam Bộ kháng chiến. Lời Người là lời của núi sông. Toàn dân tộc Việt Nam đứng lên dưới ngọn cờ cách mạng. Sau hơn một tháng chiến đấu, quân và dân Sài Gòn - Chợ Lớn đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ kìm chân, làm thất bại âm mưu “đánh nhanh thắng nhanh” của địch, tạo điều kiện cho quân và dân Nam Bộ cũng như cả nước chuẩn bị về mọi mặt để kháng chiến lâu dài.

Trước ý chí “thà chết tự do còn hơn sống nô lệ” và quyết tâm bảo vệ độc lập, tự do của Nhân dân ta, kế hoạch đánh chiếm Sài Gòn trong ba tuần của thực dân Pháp bị phá sản. Ngược lại, chúng bị đồng bào Nam Bộ vây hãm một tháng tròn trong thành phố. Đồng bào miền Nam đã cho thấy họ là những người đầu tiên và là tuyến tiên phong trong công cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc của cả nước, góp phần to lớn vào công cuộc đấu tranh giữ vững chính quyền nhân dân, tạo điều kiện cho cả nước có thêm thời gian củng cố thực lực để bước vào Toàn quốc kháng chiến. Tháng 02/1946, ghi nhận và biểu dương tinh thần chiến đấu kiên cường, bất khuất của quân và dân Nam Bộ, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ đã tặng đồng bào Nam Bộ danh hiệu vẻ vang: “Thành đồng Tổ quốc”.

Ý chí chiến đấu quật cường của Nhân dân Nam Bộ trong ngày 23/9/1945 đã để lại những bài học vô cùng quý giá. Đó là bài học về sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng. Trước sức mạnh của kẻ thù, Xứ ủy Nam Bộ đã thấy được sức mạnh vô cùng to lớn từ Nhân dân; từ đó đã tập hợp và phát huy được tất cả các lực lượng, đồng thuận hướng đến ngọn cờ độc lập dân tộc, chống lại kẻ thù xâm lược, giải phóng quê hương. Đó còn là bài học về sức mạnh toàn dân tộc dưới sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng, của Bác Hồ đã được phát huy cao độ. Trong những tháng năm đó, cùng với đồng bào Nam Bộ kháng chiến, có hàng vạn những người con ưu tú của miền Bắc đã lên đường “Nam tiến”. Quân và dân Nam Bộ đã sống, chiến đấu xứng đáng với danh hiệu mà Chủ tịch Hồ Chí Minh phong tặng suốt 30 năm chiến đấu kéo dài, cho đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng.

Cho đến bây giờ, dư âm “mùa thu rồi, ngày 23, ta đi theo tiếng kêu sơn hà nguy biến”... vẫn vang vọng trong tâm khảm của mỗi người dân Việt Nam. Chúng ta luôn tự hào về truyền thống chiến đấu kiên cường, bất khuất của thế hệ cha anh, quyết bảo vệ đến cùng nền độc lập, tự do của Tổ quốc. Ngày nay, ý chí ấy, quyết tâm ấy vẫn là cội nguồn sức mạnh để Nhân dân ta chiến thắng nghèo nàn lạc hậu, xây dựng đất nước cường thịnh, phồn vinh, văn minh và hạnh phúc. Tinh thần chiến đấu quật cường và truyền thống đoàn kết của Ngày Nam Bộ kháng chiến vẫn còn nguyên giá trị và ý nghĩa lịch sử. Ngọn lửa ngày Nam Bộ kháng chiến năm xưa mãi mãi là nguồn động lực to lớn cổ vũ toàn dân tộc đoàn kết, đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, phát triển đất nước, quyết tâm thực hiện thắng lợi hai nhiệm vụ chiến lược là “Xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa”.

Thu Hằng

Các tin khác

  • Long An sáng mãi tám chữ vàng “Trung dũng, kiên cường, toàn dân đánh giặc” (16/09/2024)
  • Long An: Kỷ niệm Ngày Sân khấu Việt Nam - Tri ân Tổ nghiệp (13/09/2024)
  • Nghĩa tình, trách nhiệm chung tay xoa dịu nỗi đau da cam (11/08/2024)
  • Tự hào truyền thống vẻ vang Thanh niên xung phong (17/07/2024)
  • Lễ Kỷ niệm 70 năm chiến thắng trận Hiệp Thạnh - Phú Ngãi Trị - Miễu Bà Cố (23/02/2024)
  • 10 kết quả nổi bật của huyện Châu Thành năm 2023 (28/12/2023)
  • TOÀN VĂN: PHÁT BIỂU CỦA ĐỒNG CHÍ NGUYỄN TRỌNG NGHĨA, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương tại Lễ kỷ niệm 60 năm Chiến thắng Hiệp Hòa (23/11/1963 - 23/11/2023) và đón nhận Huân chương Hồ Chí Minh (23/11/2023)
  • Long An: Kỷ niệm 60 năm Chiến thắng trận Hiệp Hòa và đón nhận Huân chương Hồ Chí Minh (23/11/2023)
  • Lễ dâng hương tại Khu di tích lịch sử ngã tư Đức Hòa và Bia Chiến thắng trận Hiệp Hòa (23/11/2023)
  • Chiến thắng Hiệp Hòa mở ra cao trào phá “Ấp chiến lược” ở Long An (22/11/2023)
  • Trang đầu 12345678910 Trang cuối