Đất và người Long An

Tấm hình Bác Hồ gặp lại

05/06/2021 01:30:0AM
Màu chữ Cỡ chữ

Liền sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, tôi mới có dịp trở về quê cũ, thị xã Tân An, nơi tôi đi học rồi dạy học và tham gia cách mạng, khởi nghĩa và giành chính quyền tháng 8 năm 1945, sau hai mươi năm xa cách.

Đến thăm họ hàng bà con, bạn bè thuở nối khố. Đến thăm cả những gia đình đã từng giúp đỡ, ủng hộ bọn tôi thời tiền khởi nghĩa, thời giành chính quyền, cả thời kỳ bọn tôi ra bưng biền gian khổ.

Đến đâu cũng tay bắt, mặt mừng. Hàn huyên chuyện qua chuyện nay, người xưa cảnh cũ, mừng mừng tủi tủi. Rồi thăm đồng chí, đồng đội đã chung sống với chúng tôi ở Ban Tuyên văn huấn giáo. Kẻ còn người mất, khôn xiết bi thương, từ anh giáo Châu Văn Bảy, người Kỳ Son đến anh Hợi, người thị xã đã hy sinh.

Tự nhiên tôi nhớ đến anh Bảy Trí và cậu con trai là A, nhưng anh ở tận Nhơn Thạnh Trung, đường đi về huyện lỵ Vàm Cỏ.

Hồi đó, năm 1947, chúng tôi đóng ở Thuận Nghĩa Hòa, anh giáo Bảy, anh giáo Mạnh, anh Huỳnh Văn Gấm, anh Bảy Trí và hai cậu nhỏ là A, cùng anh Bảy Trí chuyên bơi xuồng, làm tạp vụ, Diệp em của Hai Minh và Ba Huỳnh cháu anh Ba Phước chuyên liên lạc với Thành. Mùa mưa tới sông Vàm Cỏ Tây, nước phèn đổ xuống, không có đến một con cá, con tép. Ngày nào cũng ăn tương tàu kho dừa, ròng rã nhiều tháng liền. Mắm với cá khô không có tiền mua, họa hoằn đồng bào hảo tâm cho tặng, coi như là bữa ăn tươi lạ miệng. Gấm và tôi hai cậu sinh viên bù truất chuyện bếp núc. Chỉ nhờ hai anh: anh giáo Bảy lo chuyện nấu nướng với tư thế của ông đầu bếp nhà hàng và anh Bảy Trí đi quán Bến Kè như một người chị mẫn cán.

Anh Bảy Trí thời Pháp thuộc làm thư ký đánh máy cho hãng lúa Bát-tam-boong, hết đi quán khi trở về giao đồ lê cho anh giáo Bảy nấu nướng, lại đánh máy, một chiếc máy chữ Remington tableau đã quá cũ, đánh công văn, tài liệu, lại đánh máy tờ báo Nhứt Trí của tỉnh, rồi phụ đẩy, phụ in tờ báo trên một bàn in tay, nặng hơn đẩy chiếc xe bò. Cũng có A, có Diệp, có Vinh nhưng vì tánh anh Bảy Trí là thế. Tay hay làm nên anh hè hụi giúp đám nhỏ, điều khiển chúng nó in cho tốt.

Tháng tháng chị Bảy vượt lộ 4 (nay lộ I) lên thăm và tiếp tế cho chồng con, cằn nhằn anh:

- Tưởng ông theo cách mạng làm gì, không dè cũng đánh máy, lại còn thêm chuyện đi quán mua tương, dừa khô, còn đẩy ”xe bò” in với mấy đứa nhỏ.

Anh nhỏ nhẹ trả lời:

- Cách mạng cần gì, mình làm được là hữu ích rồi !

Cằn nhằn gì thì cằn nhằn nhưng rồi cũng móc túi lấy tiền ra đưa cho con, cho chồng và lần đó vào tháng 5/1947, có cả bản in Bác Hồ do Gấm vẽ trên tờ báo Nhứt Trí mà anh cẩn thận in riêng ra nhiều bản hình Bác để tán phát về các xã gần.

Khi chị Bảy trở về quê, anh đưa cho chị một bản và dặn dò chị giữ dùm cẩn thận. Anh còn nói vui với chị, lúc tiễn xuống xuồng.

- Mình giữ hình Bác Hồ là tôi còn. Nhớ đó !

Tôi vốn là một thằng luộm thuộm. Năm 1975, thăm được nhiều anh em đồng đội cũ mà chưa thăm được anh Bảy tận nhà dù nhiều lần gặp nhau ở thị xã.

Cho mãi đến tết năm ngoái, gần Xuân 1987, tôi mới quyết tâm đến tận nhà thăm hai ông bà đã quá thất tuần. Sau cái năm 1947 tôi đã kể trên, đúng 40 năm.

Việc thăm nhau là cứ lệ thường bây giờ là sức khỏe, con cái và nhất là đời sống kinh tế.

Xúc động, mừng mừng tủi tủi. Đi xem cơ ngơi anh chị Bảy Trí. Sống được. Rồi ngồi lại nhắc chuyện xưa ở nhà sau.

Nhà trước khang trang với bàn thờ ông bà và khung ảnh Bác Hồ. Bức ảnh màu của Hà Nội in. Điều đó là tất nhiên như bất kỳ nhà nào ở Long An, ở trong Nam sau ngày giải phóng.

Nhưng có điều lạ là nhà sau, là nơi thường xuyên tiếp khách thân tình, lúc hàn huyên, tôi nhìn thấy tấm hình Bác Hồ rất cũ, rất sơ sài mà lộng vào cái khung kính trang trọng. Thấy tôi nhìn mãi và nghĩ ngợi, anh Bảy chậm rãi hỏi tôi:

- Anh có nhớ tấm hình này không?

Tôi suy nghĩ mãi, không nhớ ra, anh bảo:

- Ảnh Bác Hồ anh Gấm vẽ và in hồi năm 47, tôi gởi cho má thằng A đem về quê cất giữ mãi cho đến ngày miền Nam giải phóng. Cất giấu mãi ngày đó mới dám lên khung để treo.

Lúc bấy giờ chị Bảy Trí mới kể những ngày gian khổ như thế nào để vất giấu tấm hình của Bác ”khi anh đi tập kết ra Bắc”.

Tôi lặng lẽ nhìn bức hình khắc gỗ của Bác đã ố vàng. Nhìn hai anh chị Bảy không nói nên lời.

P.TT (trích trong cuốn Lòng dân Long An đối với Bác Hồ)

Các tin khác

  • Lễ Kỷ niệm 70 năm chiến thắng trận Hiệp Thạnh - Phú Ngãi Trị - Miễu Bà Cố (23/02/2024)
  • 10 kết quả nổi bật của huyện Châu Thành năm 2023 (28/12/2023)
  • TOÀN VĂN: PHÁT BIỂU CỦA ĐỒNG CHÍ NGUYỄN TRỌNG NGHĨA, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương tại Lễ kỷ niệm 60 năm Chiến thắng Hiệp Hòa (23/11/1963 - 23/11/2023) và đón nhận Huân chương Hồ Chí Minh (23/11/2023)
  • Long An: Kỷ niệm 60 năm Chiến thắng trận Hiệp Hòa và đón nhận Huân chương Hồ Chí Minh (23/11/2023)
  • Lễ dâng hương tại Khu di tích lịch sử ngã tư Đức Hòa và Bia Chiến thắng trận Hiệp Hòa (23/11/2023)
  • Chiến thắng Hiệp Hòa mở ra cao trào phá “Ấp chiến lược” ở Long An (22/11/2023)
  • Dâng hương tưởng nhớ anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực tại Xóm Nghề (26/10/2023)
  • Long An: “Tiệc chay” miễn phí 3 ngày tại Lễ giỗ anh hùng Nguyễn Trung Trực (26/10/2023)
  • Lễ dâng hương kỷ niệm 155 năm ngày Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực hy sinh (25/10/2023)
  • Tân An đi đầu trong cuộc tổng khởi nghĩa tháng Tám ở Nam Bộ (17/08/2023)
  • Trang đầu 12345678910 Trang cuối