Đất và người Long An

Chiến thắng trận Mộc Hóa (18/8/1948) bản hùng ca còn vang mãi

21/02/2021 01:00:0AM
Màu chữ Cỡ chữ

Cách đây 73 năm (18/8/1948), chiến thắng trận Mộc Hóa đã đi vào lịch sử kháng chiến chống Pháp của quân và dân “Tháp Mười anh dũng” cùng với tên tuổi của Tiểu đoàn 307, là một trong những mốc son chói lọi trên con đường đấu tranh giải phóng dân tộc.

Bắt sống đồn trưởng Louis Bertrand (Ảnh tư liệu)

Năm 1948, quân Pháp tăng cường bình định vùng Đồng Tháp Mười bằng việc xây đồn Mộc Hóa trên Gò Bắc Chiêng để án ngữ vùng biên giới Việt Nam - Campuchia, uy hiếp căn cứ Đồng Tháp Mười từ phía Bắc, ngăn chặn hành lang của ta giữa Khu 8 với Khu 7 và Khu 9. Đồn có chòi canh cao 6m, lực lượng thường trực khoảng 60-70 tên, đa số là lính Partisans (thân binh Pháp), trang bị 1 cối 81, 2 cối 60, 2 đại liên, 4 trung liên, còn lại là tiểu liên, súng trường; ngoài ra, còn được pháo binh yểm trợ và bộ binh tiếp viện từ phía Campuchia nếu bị tấn công. Hoạt động chủ yếu của địch là tổ chức mạng lưới gián điệp, tuần tra và kiểm soát việc đi lại của quân, dân ta hai bên bờ sông Vàm Cỏ Tây.

Trước những yêu cầu cấp bách của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, đầu tháng 8/1948, Bộ Tư lệnh Khu 8 quyết định lên kế hoạch tổ chức đánh đồn Mộc Hóa. Lực lượng tham gia gồm Trung đoàn 120, Tiểu đoàn 307 kết hợp 1 trung đội bộ đội và du kích địa phương, 1 trung đội công binh của Khu 8 và hơn 500 dân công tham gia chặn đánh quân tiếp viện của địch từ lộ Rồ (Campuchia) đi xuống và chặn đánh tàu địch từ Tân An theo sông Vàm Cỏ Tây đi lên. Dân quân và du kích địa phương lo việc hậu cần tiếp tế lương thực và nước uống từ Vàm Cá Đôi (Tuyên Thạnh) ra trận địa cho các đơn vị chiến đấu đặt dưới sự chỉ huy chung của đồng chí Nguyễn Chánh - Tham mưu trưởng Khu 8.

Đêm 16/8/1948, ta nổ súng tấn công đồn Mộc Hóa, mở màn trận đánh. Địch chống trả quyết liệt, sau hai đợt tấn công, ta tiêu diệt 25 tên địch, làm bị thương 2 tên, bắt sống 6 tên, trong đó có đồn trưởng Louis Bertrand. Ta lui đội hình và tổ chức công sự, tạo thế vây ép buộc địch phải tung quân ra do thám để tiêu diệt từng toán nhỏ. Ngày 17/8/1948, phát hiện địch dùng ghe xuồng chở quân bị thương cập bến Ông Tờn (xã Bình Hiệp), ta đổi kế hoạch, điều Đại đội 931 của Tiểu đoàn 307 ra chặn đánh, đồng thời cho Đại đội 1075 của Trung đoàn 120 khép chặt thế vây hãm đồn Mộc Hóa, buộc địch phải tiếp viện.

Đúng theo dự báo, ngày 18/8/1948, một tiểu đoàn địch từ biên giới Việt Nam - Campuchia tiến về cứu viện đồn Mộc Hóa bị rơi vào bẫy phục kích. Lập tức bộ đội và du kích toàn mặt trận đồng loạt nổ súng mãnh liệt xung phong, chia cắt, bao vây tiêu diệt địch. Kết quả, sau 3 ngày chiến đấu đầy mưu trí và dũng cảm, quân và dân ta đã đánh thiệt hại một tiểu đoàn địch, thu hơn 100 súng các loại, trong đó có 3 cối 60 ly, một số đại liên, trung liên, bắt sống một số tên cầm đầu, trong đó có Trung úy đồn trưởng Louis Bertrand.

Nhiều súng ống, đạn dược của Pháp bị ta thu về (Ảnh tư liệu)

Trận Mộc Hóa là chiến công đầu tiên mở đầu truyền thống của Tiểu đoàn 307 anh hùng trong kháng chiến chống Pháp ở Nam bộ, làm nức lòng quân, dân Khu 8, được phổ thành bài hát nổi tiếng lúc bấy giờ mang tên “Tiểu đoàn 307" (thơ Nguyễn Bính, nhạc Nguyễn Hữu Trí) là một bản hùng ca chiến đấu, mang khí phách dân tộc, mang hồn thiêng sông núi, ngợi ca tinh thần hy sinh cao cả của các chiến sĩ: “Ai đã từng đi qua sông Cửu Long Giang... Trận Tháp Mười, trận Mộc Hóa vang tiếng đồn với trận La Bang”. Bài hát từng được Giải thưởng Âm nhạc văn nghệ Cửu Long năm 1952, trở thành ca khúc cách mạng đi cùng năm tháng, sống mãi với truyền thống anh hùng của Quân đội nhân dân Việt Nam và lịch sử cách mạng Việt Nam nói chung, quân, dân Mộc Hóa - Đồng Tháp Mười, Long An - Khu 8 nói riêng.

Chiến thắng trận Mộc Hóa năm 1948 có ý nghĩa hết sức quan trọng, đánh dấu bước đột phá của bộ đội ta từ thế phòng ngự sang tiến công tiêu diệt địch, khởi động phong trào “Thi đua yêu nước giết giặc lập công” làm nức lòng cán bộ, chiến sĩ và đồng bào lúc bấy giờ. Từ chiến thắng Mộc Hóa, quân và dân ta hoàn chỉnh khu căn cứ ở Đồng Tháp Mười và mở rộng giao lưu giữa Khu 7 với Khu 8 và Khu 9, đồng thời liên kết 2 chiến trường Việt Nam – Campuchia. Chiến thắng trận Mộc Hóa là mốc son trong kháng chiến chống Pháp; góp phần to lớn phá tan âm mưu của Pháp muốn nhanh chóng bình định miền Nam./.

Văn Minh (tổng hợp)

Các tin khác

  • Dâng hương tưởng nhớ anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực tại Xóm Nghề (26/10/2023)
  • Long An: “Tiệc chay” miễn phí 3 ngày tại Lễ giỗ anh hùng Nguyễn Trung Trực (26/10/2023)
  • Lễ dâng hương kỷ niệm 155 năm ngày Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực hy sinh (25/10/2023)
  • Tân An đi đầu trong cuộc tổng khởi nghĩa tháng Tám ở Nam Bộ (17/08/2023)
  • 62 năm nhìn lại chất độc da cam trong chiến tranh ở Việt Nam – nỗi đau còn mãi (15/08/2023)
  • Chiến thắng trận Mộc Hóa năm 1948: Bước đột phá chuyển từ phòng ngự sang tiến công tiêu diệt địch (10/08/2023)
  • Tên anh đã thành tên ấp, tên đường (21/07/2023)
  • Chiến thắng Kinh Bùi - niềm tự hào của người dân Tân Ninh anh hùng (26/06/2023)
  • Cần Đước: Kỷ niệm 200 năm ngày mất của Xuân Quang Hầu Nguyễn Khắc Tuấn (1823-2023) (25/02/2023)
  • Cần Giuộc: Khai mạc lễ Kỳ Yên Miếu Hai Bà Trưng (24/02/2023)
  • Trang đầu 12345678910 Trang cuối