Đất và người Long An

Đồng chí Hồ Văn Long - người con ưu tú của quê hương Chợ Lớn - Long An

20/03/2022 08:00:0PM
Màu chữ Cỡ chữ

Đồng chí Hồ Văn Long sinh năm 1907 tại làng Tân Tạo, Trung Quận, tỉnh Chợ Lớn (nay thuộc phường Tân Tạo, quận Bình Tân, Thành phố Hồ Chí Minh), là con trai út của nhà nho Hồ Văn Quản. Lớn lên, đồng chí đi học ở Phú Lâm, rồi ra Sài Gòn học lấy bằng Thành Chung.

Năm 1925, đồng chí về quê nhà dạy học và được mọi người gọi một cách thân thiết là Giáo Long. Kế thừa truyền thống gia đình, trên cơ sở học vấn của một thanh niên trí thức tân học, đồng chí Hồ Văn Long đã sớm nhận thức được những bất công của chế độ thực dân phong kiến và nuôi ý chí đánh đuổi ngoại xâm, giành độc lập dân tộc. Khi Nguyễn An Ninh về nước vận động lập Hội kín chống Pháp, đồng chí Hồ Văn Long đã tình nguyện gia nhập Hội kín và hoạt động đắc lực ở vùng nông thôn tỉnh Gia Định – Chợ Lớn (nay thuộc địa bàn thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Long An).

Tháng 7/1929, đồng chí Hồ Văn Long được kết nạp vào Đông Dương Cộng sản Liên đoàn - một trong 3 tổ chức tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam. Sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập, đồng chí Hồ Văn Long được chỉ định vào Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Gia Định vào tháng 3/1930, đã đẩy mạnh hoạt động phát triển tổ chức cơ sở đảng ở Tổng Long Hưng Thượng, Trung quận và nhiều địa phương thuộc tỉnh Gia Định - Chợ Lớn.

Tháng 4/1930, đồng chí Hồ Văn Long cùng anh trai là Hồ Văn Kỷ cùng một số đồng chí khác đã về nhà ông Bùi Bổn Phận ở ấp Phước Thuận, làng Phước Lâm, quận Cần Giuộc (nay thuộc ấp Phước Thuận, xã Phước Lâm, huyện Cần Giuộc) để gây dựng nên cơ sở đảng tại đây. Khoảng một tháng sau, đồng chí Hồ Văn Long đã thành lập nên chi bộ Phước Lâm - Chi bộ đảng Cộng sản đầu tiên của quận Cần Giuộc. Trong thời gian hoạt động ở Cần Giuộc, đồng chí Hồ Văn Long đã truyền bá chủ nghĩa Cộng sản và kết nạp vào Đảng nhiều đảng viên ưu tú, trong đó có đồng chí Trương Văn Bang (sau này là Bí thư Tỉnh ủy Chợ Lớn, Bí thư Xứ ủy Nam Kỳ).

Ngày 4/6/1930, theo sự phân công của Tỉnh ủy Gia Định, đồng chí Hồ Văn Long trực lãnh đạo cuộc đấu tranh của nông dân vùng Bà Hom, song song với cuộc đấu tranh của nông dân Đức Hòa, Hóc Môn. Đây là cuộc đấu tranh quyết liệt, có quy mô lớn nhất Việt Nam lúc bấy giờ dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản và được xem là đỉnh cao của phong trào cách mạng tỉnh Chợ Lớn năm 1930.

Tháng 8/1930, đồng chí Hồ Văn Long và đồng chí Trương Văn Bang đã về thị trấn Cần Giuộc lập nên Quận ủy đầu tiên của quận Cần Giuộc. Từ cuối năm 1930 đến năm 1931, thực dân Pháp tăng cường đàn áp, khủng bố phong trào cách mạng, cơ sờ đảng ở tỉnh Chợ Lớn và tỉnh Gia Định nhiều lần tan vỡ, Xứ ủy đã phân công đồng chí Hồ Văn Long làm nhiệm vụ củng cố, khôi phục tổ chức cơ sở Đảng và lần lượt đảm nhiệm chức vụ Bí thư Tỉnh ủy Gia Định, Bí thư Tỉnh ủy Chợ Lớn. Sau khi Xứ ủy Nam Kỳ bị địch phá vỡ, tháng 5/1930, đồng chí Hồ Văn Long chủ trì Hội nghị cán bộ Đảng của một số tỉnh  tại Bình Đăng, quyết định thành lập Xứ ủy lâm thời Nam kỳ do chính đồng chí làm Bí thư. Cuộc họp đã quyết định nhiều vấn đề quan trọng, trong đó có việc chuẩn bị điều kiện tái lập Xứ ủy chính thức. Sau một thời gian củng cố các tỉnh ủy, đồng chí Hồ Văn Long triệu tập đại hội Xứ ủy toàn xứ để bầu ra Xứ ủy chính thức.

Ngày 11/10/1932, do có nội gián, đồng chí Hồ Văn Long bị bắt khi đang họp cùng với một số Xứ ủy viên tại một căn nhà ở đường Cô-lô-nen Gơ-ri-mô (nay là đường Lê Lai, Thành phố Hồ Chí Minh). Thực dân Pháp đã kết án đồng chí Hồ Văn Long 5 năm tù khổ sai, lưu đày Côn Đảo và 10 năm biệt xứ. Trong lao tù đế quốc, đồng chí đã giữ vững khí tiết cách mạng, tiếp tục đấu tranh không khoan nhượng với kẻ thù, được bầu vào chi ủy chi bộ nhà tù cùng với đồng chí Phạm Hùng (sau là Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng), đồng chí Lê Văn Lương (sau là Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương).

Sau khi Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, đồng chí được Xứ ủy Nam Bộ đưa về đất liền và được phân công làm Bí thư Tỉnh ủy Chợ Lớn. Trong tình hình khó khăn của buổi đầu kháng chiến chống thực dân Pháp tái xâm lược, đồng chí đã tích cực lãnh đạo công tác phục hồi, phát triển tổ chức đảng, củng cố, phát triển phong trào kháng chiến trên địa bàn tỉnh. Cuối năm 1946, khi tình hình tỉnh Chợ Lớn tạm ổn, đồng chí được Xứ ủy phân công làm nhiệm vụ Thanh tra chính trị các tỉnh miền Đông.

Tháng 5/1948, trong một chuyến công tác qua quê nhà Tân Tạo, đồng chí Hồ Văn Long bị địch phục kích vây bắt. Chúng đã đánh đập, tra tấn đồng chí dã man nhưng đồng chí đã kiên cường chịu đựng, không khai báo nửa lời nên bọn địch không biết đồng chí là một cán bộ cao cấp của Đảng. Chúng đưa đồng chí về giam ở Bến Lức rồi Phòng nhì Sài Gòn và sau đó là trại giam Phú Lâm. Do bị giam cầm lâu năm trong ngục tù đế quốc, lại bị địch dùng cực hình tra tấn nên đồng chí Hồ Văn Long lâm bệnh nặng. Bọn địch buộc phải chuyển đồng chí vào Nhà thương Chợ Rẫy.

Ngày 17/3/1949 (ngày 18 tháng 2 năm Kỷ Sửu) đồng chí Hồ Văn Long trút hơi thở sau cùng tại Nhà thương Chợ Rẫy.

Bảy mươi ba năm đã trôi qua kể từ ngày đồng chí Hồ Văn Long hy sinh, nhưng tấm gương người chiến sĩ cộng sản kiên trung, bất khuất của đồng chí vẫn ngời sáng và trường tồn với lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam nói chung, trong đó có Đảng bộ và nhân dân tỉnh Long An, Đảng bộ và nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh. 

Kỷ niệm 115 năm ngày sinh đồng chí Hồ Văn Long là dịp để mỗi người dân tỉnh Long An và Thành phố Hồ Chí Minh ôn lại và tự hào với truyền thống thống yêu nước, anh dũng, kiên cường, bất khuất trong đấu tranh chống ngoại xâm, bảo vệ độc lập dân tộc mà các thế hệ cách mạng tiền bối đã để lại, trong đó có tấm gương sáng về cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của đồng chí Bí thư Xứ ủy Hồ Văn Long. Đồng thời, thể hiện sự trân trọng, kế thừa truyền thống yêu nước và cách mạng của thế hệ hôm nay đối với cha ông và sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với công tác giáo dục truyền thống trong các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ.  

 Truyền thống ấy sẽ được thế hệ hôm nay và mai sau kế thừa, phát huy, tạo nền tảng vững chắc và sức mạnh tinh thần mạnh mẽ giúp cho chúng ta vượt qua khó khăn thử thách, tiến bước vững vàng trên con đường xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế./.

Cổng TTĐT Tỉnh ủy

 

Các tin khác

  • 62 năm nhìn lại chất độc da cam trong chiến tranh ở Việt Nam – nỗi đau còn mãi (15/08/2023)
  • Chiến thắng trận Mộc Hóa năm 1948: Bước đột phá chuyển từ phòng ngự sang tiến công tiêu diệt địch (10/08/2023)
  • Tên anh đã thành tên ấp, tên đường (21/07/2023)
  • Chiến thắng Kinh Bùi - niềm tự hào của người dân Tân Ninh anh hùng (26/06/2023)
  • Cần Đước: Kỷ niệm 200 năm ngày mất của Xuân Quang Hầu Nguyễn Khắc Tuấn (1823-2023) (25/02/2023)
  • Cần Giuộc: Khai mạc lễ Kỳ Yên Miếu Hai Bà Trưng (24/02/2023)
  • Kỷ niệm 110 năm ngày sinh đồng chí Huỳnh Tấn Phát (15/02/1913 – 15/02/2023) - lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng và cách mạng Việt Nam (12/02/2023)
  • Kỷ năm 80 năm ra đời Đề cương về văn hóa Việt Nam (1943-2023) (12/02/2023)
  • Bến Lức: Bảo tồn di tích lịch sử gắn với xây dựng đời sống văn hóa (30/01/2023)
  • 50 năm ngày ký Hiệp định Paris chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam 27/1/1973-27/1/2023) (25/01/2023)
  • Trang đầu 12345678910 Trang cuối