Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng

Trị triệt để bệnh tham nhũng-Bài học từ Singapore

12/07/2023 03:05:7PM
Màu chữ Cỡ chữ

Tham nhũng đang là vấn nạn của nhiều quốc gia trên thế giới. Ở nước ta, thời gian qua, Đảng ta mà đặc biệt là đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có những chỉ đạo hết sức mạnh mẽ và cương quyết trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Chính vì thế, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng đã và đang có những chuyển biến rõ nét; nhiều vụ việc đã được điều tra, truy tố, xét xử đảm bảo đúng người, đúng tội, thể hiện tính nghiêm minh và công bằng của pháp luật với phương châm “không có vùng cấm trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng”.

Có thể thấy tham nhũng đang trở thành một vấn nạn ở nhiều quốc gia trên thế giới. Mặc dù các quốc gia đã có những chính sách và biện pháp khác nhau trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, tuy nhiên hiệu quả đem lại vẫn chưa cao.

Tác phẩm Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch vững mạnh của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thể hiện quyết tâm của Đảng ta trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng tiêu cực

Hiện nay, Singapore vẫn được xem là hình mẫu trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Nhìn lại đất nước Singapore, trước khi Đảng nhân dân Hành động (PAP) của ông Lý Quang Diệu lên nắm quyền thì tình trạng tham nhũng là một trong những hiện tượng khá phổ biến ở đất nước này; nhận thức rằng phải chống tham nhũng thì mới đạt được mục tiêu phát triển, bộ máy chính quyền do ông Lý Quang Diệu lãnh đạo đã triển khai việc xác định các yếu tố tạo nên tham nhũng, từ đó có những biện pháp và bước đi thích hợp. Singapore hiện nay không chỉ được ca ngợi là quốc gia có nền kinh tế phát triển, một trong những “con rồng Châu á” mà còn được đánh giá là một trong những quốc gia có một Chính phủ trong sạch, với bốn kinh nghiệm phòng, chống tham nhũng hiệu quả:

Thứ nhất làm cho công chức không dám tham nhũng: bằng việc quy định công chức trích nộp lương hằng tháng vào quỹ tiết kiệm do Nhà nước quản lý, chức vụ càng cao thì mức trích nộp càng lớn, nếu cán bộ tham nhũng dù nặng hay nhẹ thì cũng sẽ bị trưng thu số tiền đã trích nộp.

Thứ hai làm cho công chức không thể tham nhũng: với những quy định chặt chẽ về việc kê khai tài sản hằng năm kể cả tài sản của vợ (chồng), quy định giải thích rõ số tài sản tăng lên hằng năm, những tài sản không thể giải thích rõ nguồn gốc thì có thể xem là tài sản tham nhũng và sẽ bị nhà nước trưng thu.

Kê khai tài sản, thu nhập cá nhân hằng năm là một trong những yêu cầu đối với cán bộ, công chức hiện nay

Thứ ba làm cho công chức không cần tham nhũng: Chính phủ Singapore luôn là một trong những chính phủ đứng đầu danh sách về độ minh bạch và chống tham nhũng. Đây là hệ quả của một chính sách đãi ngộ công chức khôn ngoan và sáng suốt khi chọn vấn đề lương và đãi ngộ cho công chức là chìa khóa cho mọi cải cách. Singapore chú trọng việc cải cách chính sách tiền lương cho cán bộ công chức. Tính đến năm 2023, mức lương cơ sở của một bộ trưởng Singapore là 55.000 SGD (41.000 USD), tương đương mức lương hàng năm là 1,1 triệu SGD (826.000 USD); lương của một công chức có trình độ đại học ở Singapore cao hơn mức bình quân chung của người làm việc ở khu vực tư nhân, đủ để trang trải cho bản thân công chức và gia đình của họ một cuộc sống khá đầy đủ và không cần phải tham nhũng.

Thứ tư là làm cho công chức không muốn tham nhũng: ở Singapore việc muốn tham nhũng một thứ gì đó dù nhỏ cũng rất phiền hà. Singapore có những quy định chặt chẽ về việc quy định cán bộ công chức không được nhận quà có giá trị lớn hơn 100 đô la Singapore, nếu công chức nào muốn nhận thì phải xin phép lãnh đạo trực tiếp. Trong trường hợp công chức nhận quà có giá trị lớn hơn 100 đô la Singapore mà không được phép của cấp trên sẽ phải nộp phạt và tài khoản “Quỹ nộp phạt”.

Bốn kinh nghiệm trên là những giải pháp thực tế đã giúp Singapore cải tổ và xây dựng được một chính phủ liêm khiết, trở thành hình mẫu của nhiều quốc gia trên thế giới. Nước ta đang trong quá trình đổi mới, phát triển, điều kiện đất nước vẫn còn khó khăn, trước mắt cần tập trung thực hiện từng bước những bài học từ Singapore, việc cần làm đầu tiên là xây dựng các chế tài đủ mạnh với những quy định chặt chẽ, quản lý tốt việc kê khai tài sản, thu nhập cá nhân hằng năm và tuỳ vào điều kiện phát triển của đất nước để có những bước cải cách thích hợp về tiền lương và hệ thống thang bảng lương của cán bộ, công chức, để đảm bảo công chức và gia đình của họ có thể sống bằng lương.

                                                                                                                                                          Nguyễn Hoài Thân

                                                                                                                                             Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Long An

Các tin khác

  • Phát huy vai trò của chi bộ trong nâng cao công tác tuyên truyền, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng (09/09/2024)
  • Nền tảng tư tưởng của Đảng phải trở thành niềm tin, lẽ sống của Nhân dân (28/08/2024)
  • Những giá trị cơ bản trong Di chúc Chủ tịch Hồ Chí Minh (27/08/2024)
  • Tăng cường công tác chính trị, tư tưởng, tự phê bình và phê bình nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng (11/08/2024)
  • Vai trò của cấp ủy cơ sở trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch (16/06/2024)
  • Ban Chỉ đạo 35 tỉnh tổ chức Hội nghị tập huấn kỹ năng viết chính luận về Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng (13/09/2023)
  • Phòng, chống “bệnh quan liêu” trong đội ngũ cán bộ, đảng viên hiện nay (28/08/2023)
  • Phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong tình hình mới (28/08/2023)
  • Vai trò cầu nối của các cơ quan báo chí trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực hiện nay (17/08/2023)
  • Xây dựng sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng là cơ sở vững chắc để đoàn kết dân tộc (15/08/2023)
  • Trang đầu 12345678910 Trang cuối