Đất và người Long An

Di tích lịch sử, văn hóa Đồn Rạch Cát

04/04/2021 01:00:0AM
Màu chữ Cỡ chữ

Di tích Đồn Rạch Cát tọa lạc tại xã Long Hựu Đông, huyện Cần Đước, tỉnh Long An, Đồn nằm cạnh con sông Rạch Cát cách thị trấn Cần Đước 14km về phía Đông. Ngoài tên gọi Đồn Rạch Cát, người dân địa phương còn hay gọi là Đồn Rạch Cóc.

Đồn Rạch Cát là một pháo đài quân sự do thực dân Pháp xây dựng vào năm 1903, có thể chống lại tất cả các loại đạn pháo hạng nặng và được trang bị vũ khí trọng pháo lớn với mục đích phục vụ cho ý đồ xâm lược lâu dài đất nước ta, chống lại các đế quốc khác muốn tranh giành Việt Nam, bảo vệ thuộc địa, bảo vệ cơ quan đầu não của chúng ở Sài Gòn. Tại đây, Pháp có thể kiểm soát được tuyến đường sông từ Miền tây lên Sài Gòn, kiểm soát của 3 con sông lớn: Rạch Cát, Vàm Cò, Nhà Bè; khống chế khu vực Cần Giờ - Vũng Tàu và khống chế con đường thông thương giữa biển với đất liền (Vàm Tuần Soài Rạp).

         Cho đến thế kỷ 20 vùng đất này còn là một khu vực hoang vu cây cối rậm rạp. Năm 1902, thực dân Pháp đến đây nghiên cứu và nhận thấy đây là một vị trí chiến lược quan trọng nên đã quyết định xây dựng một pháo đài với ý đồ là lập tại đây một căn cứ quân sự trước mắt là phòng thủ.

         Năm 1903, Pháp bắt đầu khởi công xây dựng cho đến năm 1910 mới hoàn thành. Đồn Rạch Cát có quy mô công trình dài 300m, rộng 100 m, cao 5 tầng (3 tầng chìm, 2 tầng nổi). Pháo đài được thiết kế hình vòng cung, xây dựng trên diện tích khoảng 3 ha. 4 phía được bao bọc bằng các bức tường có độ dày từ 60 đến 80 cm, cửa làm bằng thép dày 10cm. Xung quanh pháo đài có hào nước rộng, tường bảo vệ vòng ngoài với các lỗ châu mai nhằm đè bẹp tất cả những hành động đột nhập từ bên ngoài. Thời gian xây dựng pháo đài kéo dài 11 năm (năm 1903-1914). Theo tài liệu của Pháp, chi phí xây dựng pháo đài khoảng 7 triệu francs thời ấy, cao gấp 3,5 lần chi phí xây dựng Nhà hát lớn Hà Nội. Cách pháo đài chính vài trăm mét là hệ thống các lô cốt bảo vệ từ xa, trang bị hỏa lực mạnh. Việc xây dựng pháo đài rất công phu và tốn kém, từ vận chuyển vật liệu đến việc xử lý nền đất yếu, trong khi vị trí xây dựng pháo đài còn hoang vu, bao phủ bởi rừng ngập nước, thưa thớt dân cư, hàng trăm dân phu đã phải bỏ mạng vì "rừng thiêng, nước độc" ốm đau, bệnh tật và công việc quá nặng nhọc. Năm 1905, Pháp gom dân 2 huyện Cần Giuộc, Cần Đước đến đây  ngày đêm lao động khổ sai đào móng đóng cừ, đào nền (diện tích 3.000m2) sâu hàng chục mét dưới lòng đất để xây 4 tầng ngầm (ngang 100m, dọc 300m). Xung quanh đồn có tường rào kiên cố với chu vi 11.988m; có cầu tàu lắp đường ray dài 50m để xe goòng chuyển hàng từ tàu vào đồn.

         Năm 1910, Đồn Rạch Cát được xây dựng hoàn thành, thực dân Pháp cho quân về đóng ở đây, với những trang bị vũ khí hiện đại, nằm uy nghi ở hai đầu pháo đài là 2 dàn đại bác với tầm bắn trên 20km kiểm soát cả vùng cửa biển, tới tận Vũng Tàu, khống chế cả khu vực Cần Giuộc, Gò Công, thậm chí sát tới Sài Gòn. Mỗi tháp pháo đặt hai khẩu đại bác 240 mm, đây là loại pháo hạm đặt trên tàu chiến, với trọng lượng mỗi khẩu pháo nặng 140 tấn, quả đạn nặng 162 kg, tầm bắn lớn nhất là 22,7 km. Tháp pháo bằng thép dày, mỗi tháp đặt hai khẩu pháo song song, có thể quay vòng 360 độ. Cùng với 2 tháp pháo chủ lực là ba khẩu đội pháo phòng không  75 mm và hai khẩu đội pháo bắn gần 95 mm. Tại trung tâm pháo đài có đặt thiết bị điều khiển hỏa lực và máy đo tọa độ, đài quan sát, hệ thống thôn tin, lien lac...Bảo vệ pháo đài ở cự ly gần có hệ thống hỏa lực phòng thủ với 10 súng máy 8mm và các lô cốt, chòi canh, bót gác bảo vệ vòng ngoài và hệ thống đảm bảo hậu cần, kỹ thuật gồm kho đạn, kho hậu cần, cầu cảng...

Chiến tranh thế giới lần thứ nhất kết thúc, Pháp đã chở đi 4 khẩu trọng pháo, chỉ để lại đồn những khẩu súng nhỏ. Chiến tranh thế giới lần thứ hai bùng nổ, trước nguy cơ phát xít Nhật xâm lược Đông Dương, thực dân Pháp cho quân về sửa sang lại Đồn Rạch Cát, xây thêm hai mâm pháo ở phía hai bên đồn để đặt hai khẩu pháo M 138, 7 khẩu pháo súng 75 ly, xây thêm một dãy hồ nước gắn với mặt tường bên trong.

Ngày 9/3/1945, Nhật đảo chính Pháp, Nhật cho lính đến chiếm Đồn Rạch Cát, cho tàu đến chở đi 7 khẩu súng 75 ly, một số đạn dược, súng ống. Tháng 11/1945, quân Anh hỗ trợ cho thực dân Pháp tái chiếm lại đồn. Năm 1947, Pháp cho tàu chở đi toàn bộ máy móc trong hai ụ súng, phá luôn đường ray xe gòong từ cầu tàu.

 Từ năm 1954 cho đến tháng 4.1975, quân đội Sài Gòn và lính Mỹ thay nhau trấn giữ đồn này… Qua các thời kỳ chiến tranh tiếp theo rồi đồn Rạch Cát cũng hoàn toàn thuộc về ta.

Đồn Rạch cát là một khu di tích vừa có giá trị lịch sử vừa có giá trị về kiến trúc. Nói về giá trị lịch sử nơi đây đã có biết bao nhiêu sự kiện diễn ra suốt từ đầu thế kỷ 20 đến nay. Đó là những hành động tội ác của thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, đó là những gương hy sinh anh dũng của các chiến sĩ cách mạng, là những nổi đau nhọc nhằn của những người dân phải đổ sức lực xương máu của mình để phục vụ cho mưu đồ xâm lược của thực dân, đế quốc. Đồn Rạch Cát còn nói lên sức mạnh quân sự của một đế quốc hùng mạnh với một dân tộc nhỏ bé vì vậy sự thất bại của chúng càng thảm bại chua cay.

Về giá trị nghệ thuật, pháo đài Rạch Cát là một điển hình về kiến trúc đồn lũy, Đồn được xây dựng như một hệ thống liên hào cho phép sức chi viện hỗ trợ tối đa cho các khu vực trong đồn. Phía trước Đồn là bức tường thành án ngữ cho phép địch có tầm quan sát xa rộng, đối phương khó tiếp cận thành ở cự ly 500m. Đối với tầng trên của Đồn là một trận địa chiếnđấu liên hoàn được trang bị pháo và công sự thép triệt để cho việc sử dụng bởi những kết cấu hoàn thiện. Chính những lớp bê tông cốt thép dày và được xây dựng theo hình trượt đã làm cho các loại súng pháo bắn thẳng từ mặt sông vào đều vô hiệu hóa. Dãy phòng ở trong Đồn Rạch Cát được xây dựng như những cái hầm nhiều ngõ ngách để đảm bảo an toàn cho sinh hoạt của con người.

Toàn bộ cấu trúc của pháo đài Rạch Cát đã tạo được thế chủ động trong việc tấn công và rút lui khi xảy ra chiến sự. Đây là một công trình được xây dựng với một qui mô đồ sộ và hoàn hảo. Với chất liệu và thiết kế xây dựng Đồn Rạch Cát đủ độ dùng thời gian đáng khâm phục, nhiều bộ phận trong Đồn đến nay vẫn còn bền vững thách thức trước sự tác động hủy hoại của thiên nhiên.

Ngày 15/8/1990, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Long An đã làm đơn xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để đơn vị pháo 105mm trực tiếp quản lý với diện tích 32.000m2.

Ngày 22/08/1992, UBND tỉnh Long An ra Quyết định bảo vệ di tích kiến trúc quân sự Đồn Rạch Cát, cùng với hệ sinh thái rừng ngập mặn kết hợp du lịch di tích lịch sử với du lịch sinh thái và nghỉ ngơi an dưỡng cuối tuần. Thực hiện chủ trương của UBND tỉnh, Bộ CHQS tỉnh phối hợp vói các sở, ngành tỉnh tham mưu UBND tỉnh trong việc xin chủ trương đầu tư, trùng tu công trình Đồn Rạch Cát. Năm 2012, Quân khu 7 thành lập đoàn đi khảo sát và có Công văn số 1998 ủng hộ chủ trương của tỉnh Long An. Ngày 29/3/2017, Bộ CHQS tỉnh tham mưu UBND tỉnh ban hành Công văn đề nghị Quân khu 7 cho chủ trương về việc chấp thuận chủ trương đầu tư, trùng tu công trình Đồn Rạch Cát phục vụ tham quan du lịch trong thời bình. Ngày 16/5/2017, Bộ Tư lệnh Quân khu 7 đã xin chủ trương Bộ Quốc phòng về vấn đề trên. Bộ CHQS đã chủ động phối hợp với các ngành chức năng thực hiện chủ trương của Tỉnh ủy, UBND tỉnh trong việc đầu tư, trùng tu công trình Đồn Rạch Cát, phục vụ tham quan, du lịch trong thời bình.

Văn Minh (tổng hợp)

Các tin khác

  • Lễ Kỷ niệm 70 năm chiến thắng trận Hiệp Thạnh - Phú Ngãi Trị - Miễu Bà Cố (23/02/2024)
  • 10 kết quả nổi bật của huyện Châu Thành năm 2023 (28/12/2023)
  • TOÀN VĂN: PHÁT BIỂU CỦA ĐỒNG CHÍ NGUYỄN TRỌNG NGHĨA, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương tại Lễ kỷ niệm 60 năm Chiến thắng Hiệp Hòa (23/11/1963 - 23/11/2023) và đón nhận Huân chương Hồ Chí Minh (23/11/2023)
  • Long An: Kỷ niệm 60 năm Chiến thắng trận Hiệp Hòa và đón nhận Huân chương Hồ Chí Minh (23/11/2023)
  • Lễ dâng hương tại Khu di tích lịch sử ngã tư Đức Hòa và Bia Chiến thắng trận Hiệp Hòa (23/11/2023)
  • Chiến thắng Hiệp Hòa mở ra cao trào phá “Ấp chiến lược” ở Long An (22/11/2023)
  • Dâng hương tưởng nhớ anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực tại Xóm Nghề (26/10/2023)
  • Long An: “Tiệc chay” miễn phí 3 ngày tại Lễ giỗ anh hùng Nguyễn Trung Trực (26/10/2023)
  • Lễ dâng hương kỷ niệm 155 năm ngày Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực hy sinh (25/10/2023)
  • Tân An đi đầu trong cuộc tổng khởi nghĩa tháng Tám ở Nam Bộ (17/08/2023)
  • Trang đầu 12345678910 Trang cuối