Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng

Cách mạng Tháng Tám năm 1945 không phải là cuộc cách mạng “ăn may”

09/08/2023 10:45:13AM
Màu chữ Cỡ chữ

Các thế lực thù địch, phản động thường có những lập luận cho rằng cách mạng tháng 8 năm 1945 là một cuộc cách mạng “ăn may”, do diễn ra đúng vào thời điểm có một khoảng trống quyền lực ở Đông Dương nói chung và ở nước ta nói riêng, do đó cách mạng chỉ cần nổ ra là sẽ giành được thắng lợi.

Để đập tan luận điệu xuyên tạc này, trước hết chúng ta cần hiểu rõ: “thế nào là ăn may” Có thể hiểu đơn giản đó là sự trông chờ mà không có một sự cố gắng, nỗ lực, không có sự chuẩn bị và hành động cụ thể nào để chủ động đạt tới mục đích của mình. Tuy nhiên, xét lại toàn bộ tiến trình lịch sử, chúng ta phải thấy rằng, để có được thành công của cách mạng tháng 8 năm 1945, Đảng ta, đứng đầu là chủ tịch Hồ Chí Minh đã có sự chuẩn bị chu đáo, với các bước tập dượt quan trọng và nhiều lần chuyển hướng chỉ đạo chiến lược cho phù hợp với tình hình thực tế của đất nước. Mặc dù Cách mạng tháng 8 diễn ra với những điều kiện thuận lợi, có thể nói là thời cơ, nhưng điều đó chỉ góp phần cho sự thành công của cuộc cách mạng, không phải là yếu tố quyết định. Yếu tố quyết định ở đây chính là sự lãnh đạo sáng suốt và tài tình của Đảng Cộng sản Việt Nam, đứng đầu là chủ tịch Hồ chí Minh, đã lãnh đạo cách mạng Việt Nam trải qua 04 bước chuẩn bị và 03 cuộc tập dượt lớn, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc để tiến đến Tổng khởi nghĩa tháng 8 năm 1945 khi thời cơ đến, giành chính quyền về tay nhân dân. Thắng lợi của cách mạng tháng 8/1945 rõ ràng là kết quả của cả một quá trình 15 năm chuẩn bị và tiến hành cách mạng một cách công phu; là kết quả của sự phát huy sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, trong đó, sức mạnh dân tộc đóng vai trò quyết định.

Cách mạng tháng Tám đã mở ra một kỷ nguyên mới cho đất nước (Nguồn: Internet)

Trước hết, phải thấy rằng: việc Liên Xô và quân Đồng minh đánh bại phát xít Nhật chỉ tạo ra điều kiện khách quan thuận lợi cho cách mạng Việt Nam. Bởi lẽ, phát xít Nhật tuy bị đánh bại, nhưng lực lượng quân đội Nhật ở Việt Nam lúc này còn rất mạnh vì chúng mới được tăng cường vào đầu năm 1945. Hơn nữa, Nhật vẫn xác định Việt Nam là đầu cầu liên lạc cuối cùng của họ đối với vùng Đông Nam Á; nếu để mất thì quyền lợi của Nhật ở vùng đất này sẽ không còn, danh dự của Nhật cũng sẽ mất; bởi vậy, chúng kiên quyết giữ bằng mọi giá. Thực tế lực lượng của phát xít Nhật ở Việt Nam lúc đó vẫn còn khoảng 100.000 quân, với đầy đủ vũ khí, trang bị và đóng nguyên tại các vị trí phòng thủ của mình. Cho dù đã không còn ý chí chiến đấu, nhưng hai quân đoàn của Nhật vẫn sẵn sàng tuân lệnh từ cấp trên của họ và là một đối thủ mạnh với bất cứ lực lượng nào định tấn công bằng vũ lực. Trong thời điểm nhạy cảm đó, quân Nhật vẫn có thể nổ súng vào lực lượng khởi nghĩa với nhiều lý do: để tự vệ, để giữ gìn trật tự tại nơi đóng quân chờ quân Đồng minh tới giải giáp … Do vậy, việc Liên Xô và quân Đồng minh đánh bại phát xít Nhật chỉ làm cho tinh thần lính Nhật ở Đông Dương bị sa sút, còn về quân sự chúng vẫn rất mạnh, không dễ gì đánh bại chúng để giành chính quyền. Đây là thời cơ thuận lợi mà Đảng ta đã kịp thời nắm lấy, lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức lực lượng, phát động sức mạnh quần chúng để giành chính quyền.

Đạo quân Quan đông được xây dựng từ lính tuyển chọn của các đơn vị lục quân khác trong Quân đội Nhật Hoàng (Nguồn: Internet)

Cần khẳng định rằng, nhân tố chủ quan có ý nghĩa quyết định đến thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám. Ngay từ năm 1939, do nhận thức rõ được tình hình thế giới và trong nước, đánh giá được mạnh, yếu của địch và sự tất yếu phải nổ ra cuộc cách mạng dân tộc trong thời kỳ này, Đảng ta đã trực tiếp chuẩn bị cho khởi nghĩa giành chính quyền cả về đường lối, căn cứ địa và lực lượng cách mạng. Về đường lối, nhất quán với mục tiêu cách mạng được đề ra từ khi thành lập Đảng, trong Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ VI (tháng 11-1939), được phát triển trong Hội nghị lần thứ VII (1940), hoàn chỉnh trong Hội nghị lần thứ VIII (tháng 5-1941), Đảng ta đã đặt nhiệm vụ giải phóng dân tộc lên hàng đầu và đưa vấn đề khởi nghĩa vũ trang ra bàn bạc. Trong đó, đã xác định rõ: khởi nghĩa vũ trang là con đường duy nhất của cách mạng Việt Nam và hình thái vận động cách mạng là đi từ khởi nghĩa từng phần đến tổng khởi nghĩa. Đảng ta nhấn mạnh: “… ta phải luôn luôn chuẩn bị một lực lượng sẵn sàng, nhằm vào cơ hội thuận tiện hơn cả mà đánh lại quân thù, nghĩa là nay mai đây cuộc chiến tranh Thái Bình Dương và cuộc kháng chiến của nhân dân Tàu xoay ra hoàn toàn cho cuộc cách mạng Đông Dương thắng lợi, thì lúc đó với lực lượng sẵn có, ta có thể lãnh đạo cuộc khởi nghĩa từng phần trong từng địa phương cũng có thể giành sự thắng lợi mà mở đường cho một cuộc tổng khởi nghĩa to lớn”. Như vậy, bằng tư duy chiến lược sắc bén, Đảng ta đã sớm đề ra được đường lối cách mạng đúng đắn, phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh lịch sử Việt Nam. Thực tế đã chứng minh, những gì đã diễn ra trong Tháng Tám lịch sử đó không nằm ngoài những dự báo và sự chỉ đạo chiến lược tài tình của Đảng.

Cùng với chủ trương tổng khởi nghĩa, kế thừa truyền thống đánh giặc giữ nước của cha ông trong lịch sử, Đảng ta xác định phải xây dựng căn cứ địa cách mạng vững chắc, vừa làm nơi đóng quân của lực lượng cách mạng, vừa là nơi đánh địch, rút lui để bảo vệ mặt trận, đồng thời là nơi cung cấp sức người, sức của cho cách mạng. Xây dựng căn cứ địa cũng là để đảm bảo sự liên lạc dễ dàng của cách mạng Việt Nam với cách mạng thế giới, đặc biệt là với Liên Xô và Trung Quốc. Thực hiện chủ trương đó, chúng ta đã sớm xúc tiến xây dựng các căn cứ địa cách mạng ở Bắc Sơn, Cao Bằng, với các tên gọi khác nhau. Đặc biệt, chúng ta đã xây dựng Việt Bắc thành căn cứ địa hoàn chỉnh; là “hình ảnh thu nhỏ của nước Việt Nam”; trong đó, Tuyên Quang được xác định là “Thủ đô kháng chiến”. Việc xây dựng căn cứ địa vững chắc là bước “tạo thế” quan trọng để Tổng khởi nghĩa đi đến thắng lợi.

Trên cơ sở nhận thức rõ quy luật tất yếu: mọi cuộc cách mạng muốn thành công phải có lực lượng mạnh, Đảng ta đã rất quan tâm đến xây dựng lực lượng vững mạnh theo một quy trình từ xây dựng lực lượng chính trị, xây dựng lực lượng bán vũ trang quần chúng, từ đó phát triển thành lực lượng vũ trang cách mạng. Ngay từ khi Nhật còn chưa tham chiến ở Việt Nam, chúng ta đã xây dựng được lực lượng quần chúng đông đảo, tham gia vào các Hội Cứu quốc của Mặt trận Việt Minh theo sáng kiến của Hồ Chí Minh (5/1941) và liên tục phát triển trên địa bàn ngày càng rộng. Đây là tổ chức tập hợp được đông đảo quần chúng nhất, hơn bất cứ tổ chức nào khác ở Việt Nam khi đó, và từ rất sớm đã tuyên bố đứng về phía Đồng minh trong cuộc đấu tranh chống phát xít. Khi viết về thắng lợi của cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám 1945, trong cuốn “Lịch sử Việt Nam từ 1940 đến 1952”, nhà sử học Pháp Philippe Devillers nhận định: “Nó (Cách mạng Tháng Tám-tác giả) còn là kết quả lô-gic của Việt Minh trong mọi khu vực của đời sống đất nước”. Trong xây dựng lực lượng vũ trang, chúng ta đã xây dựng được hai bộ phận: lực lượng bán vũ trang của quần chúng và lực lượng vũ trang tập trung. Thực tế ta đã xây dựng được 3 trung đội Cứu quốc quân. Lực lượng này đã giữ vai trò quan trọng trong đấu tranh vũ trang, cùng với lực lượng đông đảo của quần chúng tiến hành Tổng khởi nghĩa trên khắp các địa phương trong cả nước. Đây cũng là cơ sở để ngày 22-12-1944, Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân ra đời, đánh dấu sự phát triển không ngừng của lực lượng vũ trang cách mạng thông qua thực tiễn đấu tranh giành độc lập dân tộc.

Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân được thành lập tại khu rừng Trần Hưng Đạo ở châu Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng Ngày 22/12/1944 là một trong những quá trình chuần bị lực lượng cho CMT8 năm 1945 (Nguồn: Internet)

Trong Cách mạng tháng Tám, cùng với việc tạo thời cơ, Đảng ta mà đứng đầu là vị lãnh tụ thiên tài Hồ Chí Minh đã đạt đến đỉnh cao của nghệ thuật nắm và giành thời cơ; kết hợp nhuần nhuyễn giữa nhân tố chủ quan và điều kiện khách quan thuận lợi, kịp thời chuyển hướng chỉ đạo chiến lược, đưa ra những quyết sách đúng đắn.

Tính từ khi Nhật đầu hàng Đồng minh cho đến khi quân Đồng minh vào nước ta, thời cơ cho cách mạng chỉ tồn tại trong một thời gian rất ngắn. Nếu không có sự nhận định đúng và chớp thời cơ nhanh chóng của Đảng ta, thời cơ đó sẽ trôi qua, cách mạng nổ ra khó thắng lợi. Khi Hồng quân Liên Xô đánh bại đội quân Quan Đông của Nhật, ngày 15-8-1945, Nhật Hoàng tuyên bố đầu hàng quân Đồng minh vô điều kiện. Ở Việt Nam, bọn tay sai của chúng cũng đã hoang mang đến cực độ. Lúc này, mặc dù đang ốm nặng, song Hồ Chí Minh vẫn luôn theo dõi sát tình hình và khẳng định: “đây là một thời cơ quý và hiếm nếu bỏ qua thì không bao giờ có nữa”, và ra lời hiệu triệu: “Dù có phải thiêu cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải giành cho được độc lập dân tộc”. Chủ trương đó, cùng với sự chuẩn bị của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta, đã tạo điều kiện thuận lợi để Cách mạng Tháng Tám nổ ra đúng lúc và giành thắng lợi.

Mít tinh tổng khởi nghĩa tại Quảng trường Nhà hát lớn Hà Nội (Nguồn: Internet)

Như vậy, có thể khẳng định rằng, Cách mạng Tháng Tám nổ ra và giành thắng lợi nhanh chóng là nhờ sự tài tình của Đảng và Bác Hồ trong nghệ thuật chỉ đạo và lãnh đạo cách mạng; sự chuẩn bị chu đáo về đường lối, căn cứ địa, lực lượng cách mạng và việc dự đoán thời cơ, chớp lấy thời cơ... Với lực lượng đông đảo được tập hợp và rèn luyện đấu tranh trong tổ chức Việt Minh, với một Lãnh tụ dẫn đường xuất sắc, nhân dân Việt Nam đã đứng lên tự giải phóng mình chứ không hề ngồi yên trông mong, chờ đợi một “khoảng trống quyền lực” hay một khoảng “chân không chính trị” nào. Đảng, Bác Hồ đã nhận định đúng tình hình, đón đúng và tận dụng triệt để thời cơ lịch sử “ngàn năm có một” để giành thắng lợi trọn vẹn. Những sự kiện lịch sử cụ thể trên đã minh chứng rằng: CMT8 năm 1945 hoàn toàn không phải là cuộc cách mạng “ăn may”.

Cách mạng Tháng Tám năm 1945 của Việt Nam là cuộc cách mạng giải phóng dân tộc đi theo con đường Cách mạng Tháng Mười, nằm trong quỹ đạo của cách mạng vô sản. Đây là cuộc cách mạng do Đảng Cộng sản lãnh đạo, do đó, thành công của cách mạng là triệt để, là "đến nơi" như Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định “Giá trị lịch sử và ý nghĩa thời đại của Cách mạng Tháng Tám là không thể phủ định được”. Vì vậy, mọi mưu toan chống phá, sự suy diễn chủ quan về cuộc cách mạng này đều không có giá trị.

                                                                                                                                                              Nguyễn Hoài Thân

                                                                                                                                                         Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy

 

Các tin khác

  • Ban Chỉ đạo 35 tỉnh tổ chức Hội nghị tập huấn kỹ năng viết chính luận về Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng (13/09/2023)
  • Phòng, chống “bệnh quan liêu” trong đội ngũ cán bộ, đảng viên hiện nay (28/08/2023)
  • Phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong tình hình mới (28/08/2023)
  • Vai trò cầu nối của các cơ quan báo chí trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực hiện nay (17/08/2023)
  • Xây dựng sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng là cơ sở vững chắc để đoàn kết dân tộc (15/08/2023)
  • Nâng cao tính đảng, tính chiến đấu trong giảng dạy lý luận chính trị góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng (14/08/2023)
  • Báo chí góp phần quan trọng vào việc hình thành, phát triển ý thức phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong các tầng lớp nhân dân và toàn xã hội (11/08/2023)
  • Ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, của cán bộ, đảng viên nhằm góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của đảng trong tình hình mới (09/08/2023)
  • Phòng, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong thanh niên hiện nay (02/08/2023)
  • Phát huy vai trò và trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên trong đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng (02/08/2023)
  • Trang đầu 12345678910 Trang cuối