Thông tin chỉ đạo cấp ủy

Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng chính sách xã hội trên địa bàn tỉnh

26/03/2024 10:59:5AM
Màu chữ Cỡ chữ

Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XI) vừa ban hành Chương trình số 52-CTr/TU, ngày 22/3/2024 nhằm cụ thể hóa thực hiện Nghị quyết số 42-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XIII) về “Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng chính sách xã hội, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới”.

Tại Chương trình, Tỉnh ủy đánh giá, hơn 10 năm qua, việc thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 01/6/2012 của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XI) về “Một số vấn đề về chính sách xã hội giai đoạn 2012 - 2020” trên địa bàn tỉnh đạt nhiều kết quả tích cực. Nhận thức của các cấp ủy, chính quyền và nhân dân về vai trò, vị trí quan trọng của chính sách xã hội ngày càng đầy đủ, sâu sắc hơn; qua đó, huy động được sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự tham gia tích cực, sâu rộng của mọi tầng lớp nhân dân trong triển khai thực hiện các chính sách xã hội; phát huy truyền thống tốt đẹp, đoàn kết, tương thân, tương ái của dân tộc. Hệ thống chính sách xã hội cơ bản đồng bộ, toàn diện, công bằng, bảo đảm quyền an sinh xã hội của người dân. Chính sách người có công, giảm nghèo bền vững gắn với đào tạo nghề, giải quyết việc làm được triển khai thực hiện hiệu quả; chăm lo, hỗ trợ kịp thời cho người có hoàn cảnh khó khăn, người yếu thế; bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế ngày càng mở rộng và trở thành trụ cột quan trọng của an sinh xã hội. Hệ thống dịch vụ xã hội được đầu tư, mở rộng, nâng cao chất lượng, góp phần bảo đảm giáo dục, y tế, nhà ở, nước sạch và truyền thông cho nhân dân.

Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện chính sách xã hội vẫn còn một số tồn tại, hạn chế. Kết quả giảm nghèo có lúc, có nơi chưa vững chắc; đời sống một bộ phận người dân còn khó khăn; các dịch vụ xã hội cơ bản chưa đáp ứng nhu cầu của nhân dân. Thị trường lao động phát triển chưa đồng bộ; nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao chuyển biến chưa rõ nét; giáo dục phổ thông, giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học có mặt còn hạn chế. Việc bảo đảm y tế cơ bản, năng lực, chất lượng y tế cơ sở chưa đáp ứng yêu cầu, nhất là trong ứng phó với dịch bệnh. Việc thực hiện chính sách nhà ở cho người thu nhập thấp còn nhiều khó khăn; tỷ lệ người dân ở nông thôn được sử dụng nước sạch còn thấp…

Nguyên nhân của những hạn chế, yếu kém nêu trên chủ yếu là do nhận thức của một số cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, cán bộ, đảng viên về vị trí, vai trò của chính sách xã hội chưa đầy đủ, toàn diện; chưa quan tâm đúng mức công tác lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện; công tác quản lý nhà nước còn bất cập; phương thức quản lý chậm đổi mới. Vẫn còn một số ít hộ nghèo, hộ cận nghèo còn tư tưởng ỷ lại, trông chờ vào sự hỗ trợ của nhà nước, không tự phấn đấu vươn lên thoát nghèo; năng lực tổ chức cuộc sống, tổ chức sản xuất của người nghèo còn hạn chế. Sự phối hợp giữa các cấp, các ngành, địa phương chưa chặt chẽ, đồng bộ; kiểm tra, thanh tra chính sách xã hội ở nhiều nơi chưa được coi trọng; nguồn lực đầu tư của nhà nước và xã hội còn hạn chế; việc huy động, quản lý, sử dụng các nguồn lực có nơi, có lĩnh vực hiệu quả chưa cao.

Nâng cao phúc lợi xã hội toàn dân, bảo đảm mọi người dân được tiếp cận, thụ hưởng các dịch vụ xã hội cơ bản có chất lượng, nhất là lĩnh vực y tế, chăm sóc sức khỏe

Tại Chương trình, Tỉnh ủy nhất quán 03 quan điểm lãnh đạo: (1) Chính sách xã hội là chính sách chăm lo cho con người, vì con người, lấy con người làm trung tâm, là chủ thể, mục tiêu, động lực, nguồn lực để phát triển bền vững đất nước; là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng của Đảng, Nhà nước, hệ thống chính trị và toàn xã hội; thể hiện đặc trưng, bản chất tốt đẹp của chế độ xã hội chủ nghĩa; tăng trưởng kinh tế gắn với bảo đảm chính sách xã hội; tạo điều kiện để nhân dân được thụ hưởng thành quả của sự nghiệp đổi mới, phát triển đất nước, nâng cao chất lượng cuộc sống, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. (2) Đầu tư cho chính sách xã hội là đầu tư cho phát triển. Chú trọng huy động, phân bổ và sử dụng nguồn lực đúng mục tiêu, phù hợp với khả năng nền kinh tế, thu nhập của nhân dân; trong đó, nguồn lực nhà nước đóng vai trò chủ đạo, nguồn lực xã hội là quan trọng. Nâng cao hiệu quả hợp tác giữa nhà nước, tư nhân, cộng đồng và nhân dân trong quản lý phát triển xã hội bền vững. (3) Bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, giám sát của các cơ quan dân cử, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và Nhân dân; động viên sự tham gia tích cực của Nhân dân, doanh nghiệp; khơi dậy khát vọng phát triển, ý chí tự lực, tự cường; phát huy truyền thống tương thân tương ái, tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc.

Tỉnh ủy xác định mục tiêu tổng quát đến năm 2030: Tập trung triển khai thực hiện hiệu quả cơ chế, chính sách xã hội bảo đảm tiến bộ và công bằng, không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân; tạo điều kiện cho nhân dân, nhất là người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, đặc biệt là về y tế, giáo dục, nhà ở, thông tin; phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiệu quả, hội nhập quốc tế gắn với việc làm bền vững. Nâng cao chất lượng quản lý phát triển xã hội gắn với bảo đảm quyền con người, quyền công dân, góp phần đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh và bền vững để phấn đấu đến năm 2025, Long An giữ vững vị trí dẫn đầu vùng đồng bằng sông Cửu Long với mức thu nhập bình quân đầu người 115 - 120 triệu đồng; đến năm 2030, Long An trở thành trung tâm phát triển kinh tế năng động, hiệu quả, bền vững của khu vực phía Nam với thu nhập bình quân đầu người đạt trên 180 triệu đồng.

Tỉnh ủy đề ra 04 nhóm chỉ tiêu chủ yếu đến năm 2030:

(1) Phấn đấu 100% người có công và gia đình người có công với cách mạng trên địa bàn tỉnh được chăm lo toàn diện cả về vật chất và tinh thần, có mức sống từ trung bình khá trở lên so với mức sống của cộng đồng dân cư nơi cư trú. Tỷ lệ thất nghiệp chung dưới 3%, tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị dưới 4%; tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt 40%; 60% lực lượng lao động trong độ tuổi lao động tham gia bảo hiểm xã hội và 45% lực lượng lao động trong độ tuổi lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp; 60% số người sau độ tuổi nghỉ hưu được hưởng lương hưu, bảo hiểm xã hội hằng tháng và trợ cấp hưu trí xã hội; 100% hộ gia đình chăm sóc trẻ em dưới 36 tháng tuổi, phụ nữ mang thai, người cao tuổi cô đơn thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo được hưởng trợ cấp xã hội theo quy định; bảo đảm mức sống tối thiểu cho người có hoàn cảnh khó khăn; trợ cấp xã hội cho hộ nghèo không có khả năng thoát nghèo.

(2) Hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ mẫu giáo từ 3 đến 4 tuổi, tỷ lệ đi học đúng độ tuổi cấp tiểu học đạt 99,98%. Duy trì giữ vững và nâng cao chất lượng 100% huyện, thị xã, thành phố, xã, phường, thị trấn đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi, phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3, phổ cập giáo dục trung học cơ sở mức độ 3, xóa mù chữ mức độ 2. Bảo đảm vững chắc mức sinh thay thế; tuổi thọ trung bình của người dân trên địa bàn tỉnh khoảng 75 tuổi, số năm sống khỏe đạt tối thiểu 68 năm; chỉ số phát triển con người HDI thuộc nhóm có chỉ số HDI cao (nhóm 2); phấn đấu có 27 giường bệnh viện, 11 bác sĩ, 03 dược sĩ, 33 điều dưỡng viên trên 10.000 dân; trên 95% dân số tham gia bảo hiểm y tế; trên 95% người dân sử dụng dịch vụ chăm sóc ban đầu tại y tế cơ sở được bảo hiểm y tế chi trả; trên 95% dân số được quản lý sức khoẻ; tỷ lệ tiêm chủng mở rộng đạt 95%; tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng thể thấp còi dưới 16,6 %; cơ bản chấm dứt các dịch bệnh AIDS, lao và loại trừ sốt rét.

(3) Tập trung triển khai các chính sách về phát triển nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp, nhằm xóa bỏ hoàn toàn tình trạng nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, người dân bị ảnh hưởng bởi thiên tai, biến đổi khí hậu; diện tích nhà ở bình quân đầu người toàn tỉnh đạt khoảng 37m2 sàn/người; 100% hộ gia đình ở thành thị và 75% hộ gia đình ở nông thôn được sử dụng nước sạch theo quy chuẩn; 100% hộ gia đình, trường học, trạm y tế có công trình phù hợp vệ sinh bảo đảm tiêu chuẩn, quy chuẩn.

(4) 100% người dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng bãi ngang ven biển; 100% các xã vùng biên giới được hưởng thụ và tham gia các hoạt động văn hóa, nghe, xem các kênh phát thanh, truyền hình của quốc gia và địa phương.

Tầm nhìn đến năm 2045: Long An là tỉnh thực hiện hiệu quả hệ thống chính sách xã hội phát triển toàn diện, bền vững, tiến bộ và công bằng, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội cho nhân dân, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng và phát triển con người Long An đáp ứng yêu cầu đổi mới, hội nhập và phát triển bền vững.

Về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu: Tỉnh ủy tập trung công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về vai trò đặc biệt quan trọng, quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của chính sách xã hội trong giai đoạn mới. Đẩy mạnh cải cách hành chính theo hướng bảo đảm công khai, minh bạch, nêu cao trách nhiệm giải trình, tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân trong tiếp cận chính sách xã hội. Huy động nguồn lực thực hiện chính sách xã hội theo hướng linh hoạt, hiệu quả; nguồn lực nhà nước giữ vai trò chủ đạo, đồng thời huy động hợp lý nguồn lực xã hội và hợp tác quốc tế; tăng cường xã hội hóa, hợp tác công - tư trong thực hiện chính sách xã hội.

Song song đó, Tỉnh ủy lãnh đạo triển khai thực hiện tốt chính sách ưu đãi người có công với cách mạng; phát triển thị trường lao động, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tạo việc làm bền vững cho người lao động; xây dựng hệ thống an sinh xã hội bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa, không để ai bị bỏ lại phía sau; nâng cao phúc lợi xã hội toàn dân, bảo đảm mọi người dân được tiếp cận, thụ hưởng các dịch vụ xã hội cơ bản có chất lượng như giáo dục, y tế, thông tin, văn hóa, nhà ở, nước sạch, vệ sinh môi trường; đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả cung cấp dịch vụ xã hội; đẩy mạnh hợp tác và tranh thủ nguồn lực, kinh nghiệm quốc tế trong thực hiện chính sách xã hội; tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, phát huy vai trò của các cơ quan dân cử, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, hội quần chúng trong thực hiện chính sách xã hội.

Trong tổ chức thực hiện: Tỉnh ủy giao các huyện ủy, thị ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy, các ban, ban cán sự đảng, đảng đoàn tổ chức học tập, quán triệt Nghị quyết số 42-NQ/TW và Chương trình này đến cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân; xây dựng kế hoạch cụ thể triển khai thực hiện phù hợp với đặc điểm, tình hình thực tế của địa phương, đơn vị, đảm bảo hiệu quả, thiết thực. Đảng đoàn Hội đồng nhân dân tỉnh lãnh đạo, chỉ đạo thể chế hóa, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật về chính sách xã hội, tạo cơ sở pháp lý để triển khai thực hiện; tăng cường giám sát việc tổ chức thực hiện để sớm đưa Nghị quyết số 42-NQ/TW vào cuộc sống. Ban cán sự đảng Ủy ban nhân dân tỉnh lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết số 42-NQ/TW, trong đó xác định các chỉ tiêu cụ thể định hướng đến năm 2025, trọng tâm là các chỉ tiêu về: Chính sách cho người có công và gia đình người có công với cách mạng; nhà ở cho người có thu nhập thấp; xây dựng nhà tình thương, nhà đại đoàn kết cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, huy động và bố trí nguồn lực để bảo đảm thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp về chính sách xã hội của tỉnh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Đảng đoàn Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác giám sát; vận động hội viên, đoàn viên và các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia thực hiện chính sách xã hội, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới. Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan hướng dẫn tổ chức nghiên cứu, học tập, quán triệt và tuyên truyền sâu rộng về nội dung, kết quả thực hiện Nghị quyết số 42-NQ/TW và Chương trình này. Ban cán sự đảng Ủy ban nhân dân tỉnh chủ trì, phối hợp các cơ quan liên quan theo dõi, kiểm tra, đôn đốc triển khai thực hiện Nghị quyết số 42-NQ/TW và Chương trình này; định kỳ báo cáo, tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh sơ kết, tổng kết và kịp thời lãnh đạo giải quyết những vấn đề phát sinh.

An Bang

Các tin khác

  • Phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, bảo đảm cho phát triển nhanh và bền vững của tỉnh (14/05/2024)
  • Tăng cường công tác phòng, chống tội phạm trong tình hình mới (13/05/2024)
  • Kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng (10/05/2024)
  • Tăng cường thể dục, thể thao để phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của tỉnh (05/05/2024)
  • Phát huy vai trò nòng cốt chính trị của hội nông dân trong phong trào nông dân trên địa bàn tỉnh (05/05/2024)
  • Tỉnh ủy yêu cầu: Khẩn trương các giải pháp cấp nước phục vụ sinh hoạt cho người dân, nhất là các huyện vùng hạ (20/04/2024)
  • Tiếp tục phát triển khoa học và công nghệ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa của tỉnh (10/04/2024)
  • Quyết tâm khắc phục hạn chế về tăng trưởng GRDP và tăng thu ngân sách (05/04/2024)
  • Tiếp tục phát huy truyền thống, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng đất nước ta ngày càng phồn vinh, hạnh phúc (27/03/2024)
  • Tăng cường rèn luyện và sử dụng đảng viên là hạ sĩ quan, binh sĩ xuất ngũ về địa phương (27/03/2024)
  • Trang đầu 12345678910 Trang cuối