Thông tin chỉ đạo cấp ủy

Tiếp tục phát huy truyền thống, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng đất nước ta ngày càng phồn vinh, hạnh phúc

27/03/2024 05:40:22PM
Màu chữ Cỡ chữ

Phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc, khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế của tỉnh để đẩy mạnh chuyển dịch kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa gắn với đô thị hóa.

Nội dung trên là một trong những mục tiêu được xác định tại Chương trình số 53-CTr/TU, ngày 25/3/2024 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh nhằm cụ thể hóa thực hiện Nghị quyết số 43-NQ/TW, ngày 24/11/2023 của Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về “Tiếp tục phát huy truyền thống, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng đất nước ta ngày càng phồn vinh, hạnh phúc”.

Tại Chương trình, Tỉnh ủy đánh giá, qua 20 năm thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW, ngày 12/3/2003 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá IX về “phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc vì dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”, Long An đã đạt được những kết quả quan trọng trong thực hiện phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc. Những quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước được triển khai, quán triệt, thực hiện một cách nghiêm túc, có sự chuyển biến tích cực cả về nhận thức và hành động của các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, hội quần chúng góp phần ổn định an ninh, chính trị, trật tự, an toàn xã hội; nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân; tinh thần đoàn kết trong cộng đồng dân cư ngày càng thắt chặt. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội đã tập trung, chủ động đổi mới về nội dung phương thức hoạt động, hướng về cơ sở, quan tâm giải quyết những quyền lợi thiết thực của đoàn viên, hội viên và các tầng lớp Nhân nhân. Các hình thức tập hợp quần chúng vào tổ chức ngày càng được mở rộng, quyền làm chủ của Nhân dân được phát huy, thu hút ngày càng đông đảo quần chúng Nhân dân tham gia hưởng ứng các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước. Cấp ủy đảng, chính quyền quan tâm, tạo điều kiện để Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội thực hiện tốt vai trò dân chủ đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân. Thực hiện tốt công tác tập hợp quần chúng, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tăng cường hoạt động giám sát, phản biện xã hội, tham gia xây dựng Đảng, chính quyền và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; làm tốt vai trò cầu nối giữa Đảng, Nhà nước với Nhân dân; củng cố niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa. Truyền thống, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc được củng cố, tăng cường, phát huy, đóng góp quan trọng cho việc hoàn thành các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, góp phần cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn một bộ phận cán bộ, đảng viên nhận thức chưa đầy đủ quan điểm của Đảng về phát huy truyền thống, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, do đó chưa giải quyết tốt các vấn đề phát sinh trong xã hội; công tác phối hợp giữa chính quyền với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội ở một số nơi đôi lúc chưa chặt chẽ, nhất là việc xây dựng và thực hiện các chương trình, kế hoạch phối hợp, tổ chức hoạt động hiệu quả chưa cao, thiếu đôn đốc trong quá trình thực hiện. Một số đơn vị xây dựng mô hình “Dân vận khéo” còn dàn trải, chưa mang lại hiệu quả và sự lan tỏa trong cộng đồng. Công tác tuyên truyền, vận động chưa đi vào chiều sâu; nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội đổi mới chưa kịp so với yêu cầu; trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, năng lực của một số cán bộ làm công tác dân vận, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội có nơi còn hạn chế. Việc phát huy vai trò của chính quyền trong thực hiện chính sách đại đoàn kết có lúc, có nơi hiệu quả chưa cao.

Nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế nêu trên chủ yếu là do một số cấp ủy, chính quyền chưa nhận thức đầy đủ về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc; chưa quan tâm đúng mức và thiếu định hướng, tạo điều kiện thuận lợi để Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, hội quần chúng thực hiện nhiệm vụ. Công tác quy hoạch, đào tạo, bố trí, sử dụng và thực hiện các chế độ chính sách đối với cán bộ có lúc chưa phù hợp, nhất là cấp cơ sở. Một số quyền lợi của người dân chưa được đáp ứng kịp thời, do đó làm ảnh hưởng đến công tác vận động, tập hợp quần chúng. Công tác biểu dương, khen thưởng, phát huy vai trò của lực lượng nòng cốt, cá nhân tiêu biểu chưa được quan tâm đúng mức.

Qua nhận định tình hình và phân tích rõ các hạn chế, nguyên nhân, Tỉnh ủy nhất quán 03 quan điểm của Trung ương để lãnh đạo việc tiếp tục phát huy truyền thống, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc trên địa bàn tỉnh: (1) Đại đoàn kết toàn dân tộc là truyền thống quý báu, đường lối chiến lược quan trọng, xuyên suốt của Đảng; nguồn sức mạnh to lớn, nhân tố quyết định thắng lợi sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Nền tảng vững chắc của đại đoàn kết toàn dân tộc là liên minh giữa giai cấp công nhân, giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức do Đảng lãnh đạo; là mối quan hệ bền chặt giữa Đảng và Nhân dân, là niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ; là đoàn kết trong Đảng, đoàn kết giữa các giai tầng xã hội, giữa cộng đồng các dân tộc Việt Nam, giữa đồng bào theo tôn giáo và không theo tôn giáo, giữa những người theo các tôn giáo khác nhau, giữa người Việt Nam ở trong và ngoài nước; là đoàn kết giữa Nhân dân Việt Nam và Nhân dân yêu chuộng hoà bình, tiến bộ trên thế giới. (2) Đại đoàn kết toàn dân tộc phải gắn với phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, quyền làm chủ của Nhân dân trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Giải quyết tốt quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng, nâng cao cuộc sống của Nhân dân; bảo đảm công bằng, bình đẳng giữa các dân tộc, các giai tầng xã hội và của mỗi người dân trong tiếp cận cơ hội, đóng góp cho đất nước và thụ hưởng thành quả phát triển. (3) Đại đoàn kết là sự nghiệp của toàn dân, là trách nhiệm của Đảng và cả hệ thống chính trị. Đoàn kết trong Đảng là hạt nhân, là cơ sở vững chắc để xây dựng đoàn kết trong hệ thống chính trị, đại đoàn kết toàn dân tộc và đoàn kết quốc tế. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội giữ vai trò nòng cốt chính trị trong tập hợp, đoàn kết, phát huy mạnh mẽ mọi nguồn lực, tiềm năng, sức sáng tạo của Nhân dân cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Ngoài ra, Tỉnh ủy đề ra mục tiêu hướng đến là: Xây dựng Đảng bộ tỉnh Long An và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc; khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế của tỉnh để đẩy mạnh chuyển dịch kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa gắn với đô thị hóa; phát triển kinh tế gắn với thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội và bảo vệ tài nguyên môi trường; kết hợp chặt chẽ phát triển kinh tế với đảm bảo quốc phòng, an ninh, tăng cường các hoạt động đối ngoại; nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân; tạo bước đột phá để tỉnh Long An phát triển nhanh và bền vững. Đến năm 2025, giữ vững vị trí dẫn đầu Vùng đồng bằng sông Cửu Long và phấn đấu đến năm 2030 trở thành tỉnh phát triển khá trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, đến năm 2050 Long An là tỉnh công nghiệp phát triển hàng đầu của cả nước, trở thành một trong những cực tăng trưởng kinh tế quan trọng của vùng đồng bằng sông Cửu Long, có trình độ phát triển tương đương các tỉnh phát triển khá của vùng Đông Nam Bộ.

Để đạt mục tiêu trên, Tỉnh ủy xác định 7 nhóm nhiệm vụ, giải pháp để triển khai thực hiện: (1) Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp uỷ, tổ chức đảng, hệ thống chính trị và Nhân dân về vị trí, tầm quan trọng của việc phát huy truyền thống, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc. (2) Tham gia xây dựng chủ trương, chính sách về đại đoàn kết toàn dân tộc, khơi dậy ý chí, khát vọng phát triển đất nước. (3) Xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong sạch, vững mạnh; tăng cường đoàn kết trong Đảng, giữ vững vai trò hạt nhân lãnh đạo của Đảng trong xây dựng và phát huy truyền thống, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc. (4) Nâng cao vai trò, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Nhà nước trong phát huy truyền thống, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc. (5) Phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, tiềm năng và sức sáng tạo của Nhân dân. (6) Đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội; đẩy mạnh công tác vận động quần chúng, huy động mọi nguồn lực cho phát triển đất nước. (7) Tổ chức các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước thiết thực, hiệu quả.

Về tổ chức thực hiện, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đề nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy tập trung lãnh đạo, chỉ đạo với quyết tâm chính trị và thống nhất cao trong nhận thức, hành động; thường xuyên kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện Nghị quyết số 43-NQ/TW, Kế hoạch số 21-KH/TW và Chương trình hành động này. Các huyện ủy, thị ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy; các ban xây dựng đảng Tỉnh ủy, Văn phòng Tỉnh ủy; các ban cán sự đảng, đảng đoàn, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn tổ chức nghiên cứu học tập, quán triệt, xây dựng chương trình hành động, kế hoạch, đề án để thực hiện Nghị quyết số 43-NQ/TW, Kế hoạch số 21-KH/TW và Chương trình hành động này phù hợp với tình hình cơ quan, đơn vị, địa phương; định kỳ kiểm tra, đánh giá, đôn đốc thực hiện.

Đảng đoàn Hội đồng nhân dân tỉnh lãnh đạo, chỉ đạo Hội đồng nhân dân tỉnh sửa đổi, bổ sung các Nghị quyết có liên quan do Ủy ban nhân dân tỉnh trình, bảo đảm đồng bộ, thống nhất, tạo cơ sở pháp lý cho việc thực hiện và giám sát việc thực hiện Nghị quyết số 43-NQ/TW, Kế hoạch số 21-KH/TW và Chương trình hành động này. Ban cán sự đảng Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo Ủy ban nhân dân tỉnh sửa đổi, bổ sung, ban hành các chương trình, kế hoạch, đề án, cơ chế, chính sách có liên quan để triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình hành động này. Đảng đoàn Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn, các hội quần chúng xây dựng chương trình hành động, kế hoạch triển khai thực hiện, tuyên truyền, vận động và giám sát việc thực hiện Nghị quyết số 43-NQ/TW, Kế hoạch số 21-KH/TW và Chương trình hành động này.

Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức hướng dẫn, nghiên cứu, học tập, quán triệt, tuyên truyền sâu rộng nội dung, kết quả thực hiện Nghị quyết số 43-NQ/TW, Kế hoạch số 21-KH/TW và Chương trình hành động này. Ban Dân vận Tỉnh ủy chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan thường xuyên theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, giám sát thực hiện Nghị quyết số 43-NQ/TW, Kế hoạch số 21-KH/TW và Chương trình hành động này; định kỳ tham mưu sơ kết, tổng kết việc thực hiện; kịp thời báo cáo Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy những vấn đề cần lãnh đạo, chỉ đạo.

An Bang 

Các tin khác

  • Phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, bảo đảm cho phát triển nhanh và bền vững của tỉnh (14/05/2024)
  • Tăng cường công tác phòng, chống tội phạm trong tình hình mới (13/05/2024)
  • Kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng (10/05/2024)
  • Tăng cường thể dục, thể thao để phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của tỉnh (05/05/2024)
  • Phát huy vai trò nòng cốt chính trị của hội nông dân trong phong trào nông dân trên địa bàn tỉnh (05/05/2024)
  • Tỉnh ủy yêu cầu: Khẩn trương các giải pháp cấp nước phục vụ sinh hoạt cho người dân, nhất là các huyện vùng hạ (20/04/2024)
  • Tiếp tục phát triển khoa học và công nghệ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa của tỉnh (10/04/2024)
  • Quyết tâm khắc phục hạn chế về tăng trưởng GRDP và tăng thu ngân sách (05/04/2024)
  • Tăng cường rèn luyện và sử dụng đảng viên là hạ sĩ quan, binh sĩ xuất ngũ về địa phương (27/03/2024)
  • Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng chính sách xã hội trên địa bàn tỉnh (26/03/2024)
  • Trang đầu 12345678910 Trang cuối