Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng

Nhận diện luận điệu xuyên tạc “Muốn Việt Nam thực sự dân chủ và phát triển, cần thực hiện đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập”

04/08/2021 01:00:0AM
Màu chữ Cỡ chữ

Sự lãnh đạo đúng đắn, sáng suốt của Đảng trong suốt chặng đường 91 năm qua là nhân tố hàng đầu quyết định mọi thắng lợi của cách mạng, lập nên nhiều kỳ tích trên đất nước Việt Nam. Thực tiễn đó cũng đã khẳng định một chân lý ở Việt Nam, không có một lực lượng chính trị nào khác ngoài Đảng Cộng sản Việt Nam có đủ bản lĩnh, trí tuệ, kinh nghiệm, uy tín và khả năng lãnh đạo đất nước vượt qua mọi khó khăn, thử thách, đưa sự nghiệp cách mạng của dân tộc ta đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.

Thời gian qua, trên không gian mạng xuất hiện một số bài viết với các luận điệu xuyên tạc, thiếu căn cứ hướng dư luận có cái nhìn lệch lạc phủ nhận giá trị, thành quả lịch sử. Trên tài khoản Facebook và các trang mạng của các thế lực thù địch, phản động: Việt Tân, Dân Làm Báo VN; trang Đài Á Châu tự do... với các luận điểm thiếu căn cứ vẫn cố tình xuyên tạc trắng trợn chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và cho rằng: “Đảng Cộng sản Việt Nam đã hết vai trò lịch sử”, “không còn đủ khả năng để độc quyền lãnh đạo đất nước” để phủ nhận vị trí, vai trò lãnh đạo Nhà nước và xã hội của Đảng Cộng sản Việt Nam. Chúng ra sức tuyên truyền, kích động, đòi đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập, đòi phi chính trị hóa lực lượng vũ trang; đòi xóa bỏ Điều 4 Hiến pháp năm 2013, xây dựng bộ máy nhà nước theo học thuyết tư sản “tam quyền phân lập”... Đặc biệt, một số bài viết với ngôn từ mị dân cho rằng: "Muốn Việt Nam thực sự dân chủ và phát triển, cần thực hiện đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập”. Đây là luận điệu xuyên tạc thiếu căn cứ; qua nghiên cứu cơ sở lý luận và thực tiễn đã chứng minh nhân tố hàng đầu quyết định thắng lợi của cách mạng Việt Nam chính là sự lãnh đạo đúng đắn, sáng suốt của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Sự lãnh đạo duy nhất của Đảng Cộng sản Việt Nam là sự lựa chọn tất yếu của lịch sử

Vào những thập niên cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, cả nước ta chìm trong lầm than nô lệ của thực dân Pháp. Nhiều phong trào yêu nước đã xuất hiện như phong trào Cần Vương, khởi nghĩa Yên Thế, Yên Bái nhưng lần lượt thất bại. Việc tìm kiếm con đường cứu nước của các chí sĩ tiền bối như Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh... hoàn toàn rơi vào bế tắc. Trong bối cảnh đó, Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã tìm đến với chủ nghĩa Mác - Lênin và truyền bá vào Việt Nam, chuẩn bị điều kiện, tiền đề về chính trị, tư tưởng, tổ chức cho việc ra đời của Đảng Cộng sản. Sự ra đời của Đảng Cộng sản sau hội nghị hợp nhất đầu năm 1930 dưới sự chủ trì của Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc là một tất yếu của lịch sử cách mạng Việt Nam, chấm dứt thời kỳ cách mạng Việt Nam khủng hoảng về đường lối, mở ra một thời đại mới cho lịch sử đất nước.

15 năm sau đó, giai đoạn 1930-1945, lịch sử Việt Nam chứng minh, chỉ có Đảng Cộng sản chứ không có bất kỳ tổ chức, đảng phái chính trị nào lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Thắng lợi của Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945 dẫn tới sự ra đời của Nhà nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa là công lao của Đảng Cộng sản. Đến năm 1946, do bối cảnh tình hình chính trị lúc đó, tại Việt Nam ngoài Đảng Cộng sản đã xuất hiện nhiều đảng phái, trong đó nổi lên hai đảng là Việt Nam quốc dân đảng (Việt Quốc), Việt Nam cách mạng đồng minh hội (Việt Cách).
Tuy nhiên, về thực chất, lãnh đạo cách mạng Việt Nam vẫn chỉ có Đảng Cộng sản còn hai đảng Việt Quốc và Việt Cách "theo đuôi Tưởng” không hề đúng về lợi ích dân tộc. Cho đến khi quân Tưởng rút khỏi Việt Nam, hai đảng này cũng ra đi theo quân Tưởng, trên vũ đài chính trị chỉ còn lại duy nhất Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo. Sự xuất hiện và rút lui của hai đảng Việt Cách và Việt Quốc càng cho thấy, chỉ có Đảng Cộng sản là được nhân dân và lịch sử Việt Nam lựa chọn, còn những đảng phái không đứng về nhân dân đã bị chính lịch sử và nhân dân ta loại bỏ. Thời kỳ sau đó, bên cạnh Đảng Cộng sản cũng tồn tại hai đảng khác là Đảng Dân chủ Việt Nam và Đảng Xã hội Việt Nam. Tuy nhiên, cả hai đảng này đều thừa nhận vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản và sau đó tuyên bố tự giải tán.
Như vậy, có thể thấy, Việt Nam đã từng có tiền lệ về chế độ đa đảng nhưng chính lịch sử và nhân dân Việt Nam đã phủ nhận chế độ đó. Trong bối cảnh tỉnh hình lịch sử của Việt Nam, việc Đảng Cộng sản Việt Nam giữ vai trò lãnh đạo Nhà nước và xã hội là hoàn toàn phù hợp với thực tế. Đây là sự lựa chọn của lịch sử Việt Nam. Thực tế đã chứng minh rằng, Đảng Cộng sản Việt Nam chưa bao giờ và không bao giờ tự ban cho mình quyền lãnh đạo Nhà nước và xã hội, mà vai trò lãnh đạo Nhà nước và xã hội chính là nhiệm vụ cao cả mà nhân dân Việt Nam tin tưởng giao phó cho Đảng Cộng sản Việt Nam. Từ khi thành lập đến nay, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn là đội tiên phong; đại diện cho ý chí, nguyện vọng, trung thành với lợi ích của toàn thể nhân dân lao động và của cả dân tộc Việt Nam.
Sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản đủ để đưa đất nước phát triển, không cần thiết phải thực hiện đa nguyên, đa đảng
Đảng Cộng sản Việt Nam là một đảng hội tụ đầy đủ các yếu tố cách mạng nhất, có bản lĩnh chính trị vững vàng với một đường lối lãnh đạo hết sức đúng đắn đã đưa Việt Nam giành hết thắng lợi này đến thắng lợi khác. Điều này đã được lịch sử chứng minh. Năm 1945, chỉ sau 15 năm thành lập với chỉ khoảng 5.000 đảng viên, Đảng đã lãnh đạo toàn thể nhân dân làm nên cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám lịch sử, lật đổ ách áp bức bọc lột của bè lũ thực dân phong kiến, lập ra Nhà nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, Nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á, đưa nhân dân Việt Nam bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên của độc lập, tự do. Tiếp sau đó, Đảng lại lãnh đạo nhân dân làm nên hai cuộc kháng chiến thần thánh chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, lập nên chiến thắng vang dội địa cầu và bảo vệ vững chắc độc lập, thống nhất của đất nước.
Với đường lối đổi mới đúng đắn, Đảng đang lãnh đạo toàn dân tộc thực hiện thành công sự nghiệp đổi mới, đưa đất nước từ một nước nghèo nàn lạc hậu bị tàn phá bởi chiến tranh trở thành một quốc gia đang phát triển hết sức năng động; đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân đang không ngừng được cải thiện, vị thế Việt Nam không ngừng được nâng cao trên trường quốc tế. Hiện nay, Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao với gần 200 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Việt Nam cũng là điểm đến hấp dẫn của nhiều nhà đầu tư nước ngoài. Quốc phòng, an ninh được giữ vững, văn hóa - xã hội có nhiều bước phát triển. Có thể khẳng định, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, Việt Nam vẫn đang trên đà phát triển hết sức mạnh mẽ, vì thế không cần thiết phải thực hiện đa nguyên, đa đảng.
Tiêu chí cao nhất của hoạt động chính trị đó là ổn định xã hội vững bền và sự tăng trưởng, an sinh xã hội được bảo đảm
Dưới vai trò lãnh đạo duy nhất của Đảng Cộng sản, Việt Nam đã giữ vững ổn định chính trị. Đây là một yếu tố quan trọng hàng đầu trong việc thu hút đầu tư nước ngoài. Chính trị ổn định, an ninh giữ vững, thu hút được đầu tư nước ngoài. Nếu hiện nay Việt Nam thực hiện đa nguyên, đa đảng như mong muốn của các thế lực phản động, thù địch thì điều tất yếu đó là đất nước sẽ rơi vào tình trạng hỗn loạn, mất ổn định chính trị do sự tranh giành quyền lực giữa các đảng phái. Thực tiễn nhiều nước trên thế giới hiện nay đã và đang phải đối mặt với sự bất ổn nghiêm trọng về chính trị do sự cạnh tranh quyền lực giữa các đảng phái, từ đó dẫn tới kinh tế suy giảm, đời sống nhân dân cực kỳ khó khăn. Đây là bài học đã từng diễn ra ở nhiều quốc gia như Ucraina, Ai Cập...
Dân chủ, phát triển không đồng nghĩa với đa nguyên, đa đảng và thực hiện đa nguvên, đa đảng không đồng nghĩa với dân chủ và phát triển
Dân chủ là phạm trù lịch sử, xuất hiện khi nhà nước xuất hiện và mỗi nền dân chủ phải gắn với một nhà nước nhất định, ở pháp luật nhất định quy định về quyền công dân, nó tùy thuộc vào sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội trong giai đoạn lịch sử tương ứng. Trong Phê phán cương lĩnh Gôta, C. Mác viết: Quyền không bao giờ có thể ở mức cao hơn chế độ kinh tế và sự phát triển văn hóa xã hội do chế độ kinh tế đó quyết định. Mỗi nước có những đặc thù và trình độ phát triển về chính trị, lịch sử, kinh tế... khác nhau, do đó có nền dân chủ khác nhau. Chính những yếu tố đó quy định dân chủ chứ không phải là cơ chế đa nguyên, đa đảng hay một đảng.
Có quan điểm cho rằng, đa đảng thì có dân chủ và một đảng thì mất dân chủ thực ra là một trò “lừa bịp chính trị”, “lập lờ đánh lận con đen” nhằm cổ vũ cho việc thiết lập cơ chế đa nguyên, đa đảng tại Việt Nam. Vấn đề quan trọng nằm ở chỗ không phải là đa đảng hay một đảng lãnh đạo mà quan trọng nhất đó là đường lối lãnh đạo đúng đắn của Đảng cầm quyền. Hơn nữa, cần phân biệt rõ giữa vấn đề đa đảng, đa nguyên với đa đảng, nhất nguyên. Một số người, kể cả cán bộ, đảng viên mơ hồ, ảo tưởng vẫn thường lấy thể chế chính trị của Mỹ để ca ngợi cho tính ưu việt của mô hình đa nguyên, đa đảng. Nhưng, nếu tìm hiểu kỹ sẽ thấy rõ một điều rằng, ở Mỹ chỉ có hai đảng thay nhau lãnh đạo xã hội Mỹ, đó là Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hòa. về bản chất, đây đều là Đảng của giai cấp tư sản. Vậy thực chất nền chính trị Mỹ là đa đảng nhưng nhất nguyên chứ không phải đa đảng, đa nguyên như nhiều người nhầm tưởng.
Như vậy, luận điểm cho rằng: "Muốn Việt Nam thực sự dân chủ và phát triển, cần thực hiện đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập" là một luận điểm sai trái. Việt Nam hiện nay không cần thiết phải thực hiện đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập. Dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng Cộng sản Việt Nam và sự cố gắng nỗ lực của toàn dân, toàn quân chắc chắn Việt Nam sẽ tiếp tục phát triển nhanh và bền vững trên con đường tiến lên chủ nghĩa xã hội./.

Sáu Lương

Các tin khác

  • Vai trò của cấp ủy cơ sở trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch (16/06/2024)
  • Ban Chỉ đạo 35 tỉnh tổ chức Hội nghị tập huấn kỹ năng viết chính luận về Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng (13/09/2023)
  • Phòng, chống “bệnh quan liêu” trong đội ngũ cán bộ, đảng viên hiện nay (28/08/2023)
  • Phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong tình hình mới (28/08/2023)
  • Vai trò cầu nối của các cơ quan báo chí trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực hiện nay (17/08/2023)
  • Xây dựng sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng là cơ sở vững chắc để đoàn kết dân tộc (15/08/2023)
  • Nâng cao tính đảng, tính chiến đấu trong giảng dạy lý luận chính trị góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng (14/08/2023)
  • Báo chí góp phần quan trọng vào việc hình thành, phát triển ý thức phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong các tầng lớp nhân dân và toàn xã hội (11/08/2023)
  • Cách mạng Tháng Tám năm 1945 không phải là cuộc cách mạng “ăn may” (09/08/2023)
  • Ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, của cán bộ, đảng viên nhằm góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của đảng trong tình hình mới (09/08/2023)
  • Trang đầu 12345678910 Trang cuối